VỤNG DẠI TUỔI 17 - Chương 21: Chương 21
– Quỳnh ơi mày có sao không, mày đừng chết Quỳnh nhé!
Tôi không chết. Phải thôi, chẳng có ai chết vì đau khổ cả. Tôi vẫn sống và chẳng những thế còn đạt số điểm cao nhất trong một trường đại học danh tiếng. Mẹ dành cho tôi cái nhìn đầy hãnh diện. Thầy cô hài lòng. Lũ bạn thán phục. Cả chồng thư dày cộm mà ban biên tập của nhà xuất bản vừa gửi đến, họ hết lời khen ngợi tập truyện đầu tay tôi vừa hoàn thành… Nhưng còn có ý nghĩa gì? Những kỷ niệm tươi đẹp bỗng chốc biến thành niềm đau bỏng rát.
Nhờ thời gian, tôi hiểu ra cuộc hôn nhân đường đột của Minh là do gia đình sắp đặt, nhưng vẫn không lấp khỏi nỗi hụt hẫng là tại sao tôi lại yêu một người yếu đuối đến như thế. Mẹ ôm tôi vào lòng, vỗ về: “Khi nào biết cảm thông, con sẽ thấy dễ chịu hơn”.
Đúng như lời mẹ nói, đến khi tôi trở thành đứa con gái biết cảm thông thì mọi nỗi đau dần lắng xuống. Tôi biết cảm thông để xoa dịu hàng ngàn câu hỏi “tại sao” trong lòng, để nhận ra rằng cuộc sống chẳng phải lúc nào cũng diễn ra như mình mong muốn. Thì thôi, hãy vùi quên đi những dấu yêu một thuở và giữ lại cho nhau những gì tươi đẹp nhất, Minh nhé!
Tôi tìm trên giá sách, lấy cuốn “Mùa đông ấm” viết lời tặng và đưa cho Minh.
Minh chào tạm biệt tôi, hôn lên trán bé Mi và lặng bước. Tôi nhìn theo con đường trải rộng thênh thang trước mặt Minh, lòng tin rằng, Minh sẽ không còn buồn bởi vì hôm nay, tôi đã thực hiện được ước mơ của mình, cũng từng là khát vọng cháy bỏng trong lòng Minh…
Ngày hôm qua
Nó đứng đó, không vật vã như ngoại, cũng chẳng khóc rấm rức như mẹ hay kể lể theo kiểu của dì Năm. Ngày thường, nó vốn mau nước mắt: thấy cảnh trong phim chết chóc, nó khóc; nghe câu vọng cổ đầy ai oán, nó cũng khóc. Thậm chí có lần, dì kể cho nó nghe câu chuyện dì gặp trong mơ, nó khóc ngon lành. Vậy mà lúc này nó chẳng thể rơi lấy nửa giọt nước mắt. Người nó tê cứng, toàn thân như bất động kể từ phút giây nó buông rơi điện thoại và không còn nhớ bằng cách nào đó nó đã về được đến đây. Trong căn phòng thiếu ánh sáng, khuôn mặt dì càng trở nên nhợt nhạt hơn, đầu ngoẹo sang một bên, tóc tai rối bù, toàn thân như vừa trải qua một cuộc vật lộn ác liệt. Cuối cùng thì dì đã thắng. Bây giờ, nhìn dì thanh thản hơn nhiều. Nó cầm lấy bàn tay buông thõng, lạnh ngắt của dì đặt lên ngực. Vẫn chẳng thể khóc trước cảnh tang tóc, hay thực tế hơn khóc vì từ nay nó không còn dì.
Mẹ kéo nó ra phía sau vườn, mắt đỏ hoe, hỏi nó: “Con gần gũi dì nhiều, hẳn con phải biết…”. Nó cúi xuống, lắc đầu bất lực. Dì ra đi chẳng để lại lý do khiến cho những người thân phải áy náy. Họ tự trách lẫn nhau rồi lại nhận lỗi với nhau. Tràn ngập một tình yêu thương cao cả. Những gì liên quan đến dì trước đó mấy ngày đều được lôi ra, chỉ có ngoại là không tham gia. Nó nghĩ, nếu dì thấy được cảnh anh chị em đoàn kết như thế này, hẳn sẽ xúc động lắm, biết đâu bỏ luôn cái ý định điên rồ kia đi ấy chứ! Trong nhà đã bắt đầu vang lên tiếng “tùng, keng”. Cậu Ba, dì Tư lần lượt về. Đám trẻ con mắt tròn to, dáo dác hỏi “Dì đâu? Cô đâu?” rồi nhìn bà gục lên quan tài dì, lạ lẫm. Nhưng chỉ một lát sau, đã nghe tiếng cười đùa, la hét của chúng ngoài sau vườn. Nó lặng lẽ cắm bình hoa, loại hoa mà dì thích rồi đặt dưới khung hình mà nó và dì chụp chung hồi đầu niên học. Xong, nó quay về phòng dì, cố lục lọi trong mớ sách vở, mong tìm được một lá thư nào đó. Nó nghe nói trước khi chết, người ta thường làm thế. Vẫn chẳng có vết tích nào ngoài những quyển sách có liên quan đến ngành dì đang theo học, còn lại chỉ thấy toàn những tập bản thảo dày cộm. Nó căng mắt cố đọc những dòng chữ chi chít, trong đó không có dì mà cũng chẳng thấy nó. Chỉ toàn những u ám không rõ ràng. Cả những cái cốt truyện chẳng nói lên điều gì, cứ như đang dẫn mình vào ngõ hẻm tối đen, chật cứng không lối thoát. Nó thất vọng xếp chúng lại chỗ cũ, đưa tay nhấn nút cái máy cũ kỹ. Vẫn là cuộn băng với duy nhất một bài hát, bài “Yesterday” dì nghe thường ngày. Có lần, dì còn đọc cho nó nghe lời Việt của bài hát, rồi lại ấm ức vì chưa biết được tên tác giả.
Chị thò đầu vào, giương cặp mắt đỏ hoe lên nạt nó: “Mày khùng à! Giờ này nghe nhạc!”. Nó vội vã tắt máy. Bên ngoài vẫn là những âm thanh tạp nham, xen lẫn tiếng “tùng, keng”.
Nó quen nhìn dì với hình ảnh của một kẻ cô độc đúng nghĩa. Ngoài giờ học, dì lặng lẽ đi về như một cái bóng, luôn tỏ ra nhạt nhẽo với mọi thứ. Mẹ lo dì không có bạn chơi, bảo nó: “Con qua lại nhiều cho dì đỡ buồn”. Nó gật đầu như một đứa con ngoan, rồi lại tưởng tượng cảnh ngày Tết, thay vì ung dung nói cười với đám bạn, lại phải chở “cái bóng” sau lưng đi khắp phố phường. Từ nhỏ, nó đã có thói quen hoạt động tối đa cái miệng. Đi với dì cũng thế, nó huyên thuyên nói đủ thứ chuyện, từ những chuyện quan trọng cho đến chuyện tầm phào của bọn con gái. Có nói gì cũng chỉ được đáp lại bằng cái gật đầu mà nó chẳng thể quay ra sau để nhìn được, hay rộng rãi hơn chỉ là tiếng “Ừ” lí nhí trong cổ họng mà nó phải ngừng xe lại mới nghe thấy. Mười tám năm, mọi người đã quen nhìn dì như thế. Nó không tin lại có ngày thay đổi đến không ngờ, cứ giống như kẻ ốm liệt giường mới dậy. Dì kể cho nó nghe về người con trai tên Tùng.
Mười sáu tuổi, chuyện tình yêu đối với nó tưởng như không còn xa lạ. Từ thuở cấp hai, những câu định nghĩa bóng bẩy về tình yêu, nó đã thuộc làu làu. Lên cấp ba, nó bắt đầu có những cuộc xé lẻ để đi với Nhân – tên con trai mà lũ bạn gọi là “bồ” nó, với một chút tò mò hơn là thích thú. Nhưng rồi có lúc nó ngớ ngẩn (hay tỉnh táo) thầm hỏi chính mình: “Có bồ để… làm gì nhỉ?”. Mãi cho đến ngày dì kể cho nó nghe về Tùng, nó mới ngỡ ngàng nhận ra giữa nó với Nhân không gọi là “yêu” được. Dì cũng bảo: “Cháu còn con nít lắm, vội vàng gì!”, giọng cứ như người lớn thật! Dì chỉ hơn nó một tuổi chứ nhiều nhặn gì. Mà người lớn thì cực kỳ phức tạp, điển hình là mẹ nó. Từ ngày dì nói cười nhiều hơn, đúng ra mẹ nên vui mừng mới phải chứ. Chẳng phải ngày trước, mẹ từng mong thế sao? Vậy mà mẹ lại tỏ ra khó chịu, nhất là những buổi tối dì rủ nó đi chơi, mẹ chiếu vào nó cái nhìn đầy nghi ngờ, như muốn bảo: “Phải giáo dục lại chúng mày thôi, không khéo lại hư cả!”.