VỤNG DẠI TUỔI 17 - Chương 18: Chương 18
Hoàng đứng dậy bỏ đi, tôi không dám nhìn theo, chỉ nghe tiếng lá vỡ giòn tan dưới từng bước chân Hoàng đang xa dần…
Lang thang mãi cũng thấm lạnh, tôi quay về, nhét hai tay vào túi áo khoác. Mảnh giấy có bài thơ của Hoàng đã nhàu nát từ khi nào. Ngân đưa nó cho tôi, không quên kể những lời tình tự mà Hoàng nói, giống như từng… nói với tôi.
Lúc ấy, khi đọc bài thơ, hình như tôi đã khóc…
Mùa học cuối
Mới sang học kỳ hai được vài ngày, Luân đã khệ nệ ôm cuốn tập dày cộm có hai chữ “Lưu bút” thật đậm tiến thẳng lên bục giảng, nhìn uy nghi chẳng kém gì một vị giáo sư trẻ tuổi, đầy tự tin. Luân có mái tóc lúc nào cũng rũ xuống trán, che khuất cả hai mắt, để lộ ra phần dưới khuôn mặt là làn da trắng mịn, chẳng thích hợp gì với một thằng con trai. Tôi thường nhìn vào khuôn mặt tài tử của Luân để phân tích vì sao, bọn con gái trong lớp cứ đeo xoắn lấy nó, rồi chẳng thấy được gì ngoài cái ấn tượng có lần năm ngón tay tôi đã in dấu trên khuôn mặt trắng mịn màng đó. Tôi đã quên hết diễn biến sự việc nhưng nhớ như in cái cảm giác của mình lúc đó và khuôn mặt Luân chuyển sang màu đỏ rồi tái nhợt đi. Luân đứng lặng, buông rơi lá thư tình ướt át đang đọc dở – thư của Lan. Từ sau cái tát bất ngờ hơn là đau đớn đó, tôi và Luân giống như hai mặt của một trang sách, chung lớp, chung bàn mà vờ như không thấy mặt nhau. Mãi đến một ngày rất lâu sau đó, hai mặt của trang sách đối đầu gặp nhau. Đó là lần lớp tôi bị kỷ luật, mà không ai khác lại là do tôi vô tình gây nên. Luân xoáy vào tôi bằng cái nhìn có lửa:
– Tại sao thế? Có phải tại Hồng ghét tôi?
– Vì gì mà tôi phải ghét Luân? – Giọng tôi cũng đanh lại không kém.
Luân nheo mắt:
– Vì Mai.
Tôi khựng lại, bàn tay buông thõng xuống trước khi định tát vào khuôn mặt câng lên đầy ý trêu chọc của Luân.
– Này! – Ngân hích vai tôi – Tập trung đi chứ, hắn có vẻ khó chịu rồi đấy!
Tôi giật mình ngó lên bục giảng. Luân vẫn đang nói say sưa:
– Chúng ta cần phải giữ cho nhau những gì còn và mất…
Cuối buổi họp, Luân tuyên bố:
– Hoàng vẽ giỏi, vậy nhờ Hoàng phụ trách cho phần trang trí, minh họa. Còn ai là người khai bút thì tự các bạn chọn.
Cả lớp nhao nhao. Có tiếng “lão” Việt từ phía dưới:
– Hồng viết hay, để Hồng khai bút trước.
Tôi lén nhìn lên, khuôn mặt Luân vẫn lạnh như Bắc cực. Chẳng có ý kiến gì thêm, coi như mọi chuyện đã “an bài”.
Mai ngồi bên dãy trái, sát cửa sổ. Mai không đẹp nhưng hiền và chăm chỉ. Vẻ chăm chỉ của nó khiến không ít đứa khó chịu. Mai không theo Luân một cách lộ liễu như những đứa con gái khác nhưng chính cái vẻ kín đáo, ngượng ngùng của nó mỗi khi nhìn Luân là bằng chứng cụ thể nhất. Nó âm thầm thương Luân, giống hệt như… anh tôi đã âm thầm thương nó. Kết quả là Luân lạnh lùng với nó như thế nào thì nó hờ hững lại với anh tôi y như vậy. Cần phải hiểu thêm về một thực tế đầy mâu thuẫn, đó là tất cả những đứa con gái đều xem việc một thằng con trai theo mình là “lẽ phải” nhưng hiếm đứa chịu bằng lòng khi nhìn anh mình hết lòng cầu cạnh một đứa con gái khác. Bao nhiêu đó đủ cho hiềm khích giữa hai đứa lớn dần, dẫn đến khoảng cách vô hình giữa tôi với Mai. Sự trùng hợp ngẫu nhiên khiến cho Luân hiểu lầm rằng tôi thích nó. Lạy trời!
Nói cho cùng thì Mai là kẻ vô tội nhưng tôi vẫn ghét cái kiểu rượt đuổi vô vọng của Mai. Tại sao không chịu dừng lại “nghỉ mệt” ở một điểm nào đó, rồi bằng lòng với chính mình?
Ngày hai sáu tháng ba, nhà trường tổ chức cắm trại. Trước giờ thi sáng tác, Luân gặp tôi, giọng bớt lạnh hơn: “Vì lớp Hồng cố lên nhé! Đừng nghĩ chuyện cũ”. Tôi cũng hiểu, sự ích kỷ lúc này là thừa thãi. Nhìn ánh mắt như van lơn của Luân, tôi nhanh chóng nhận ra những giận hờn chẳng khác nào sự nhỏ nhen, tầm thường. Nhưng suy nghĩ ấy tan ra nhanh chóng khi tôi nghe được Việt thuật lại lời của Luân: “Viết lách, tao thừa khả năng nhưng chẳng qua là tao muốn tạo cho nó cơ hội chuộc tội”. Tôi giận run người. Mãi đến giờ cuộc thi bắt đầu, tôi còn nghe giọng phân bua của Luân:
– Hồng đừng nghe Việt nói.
Tôi nghĩ bụng: “Muộn rồi!” và trong lòng âm ỉ một cuộc chiến mà tôi biết phần thắng cuối cùng sẽ thuộc về mình.
Kết quả chẳng nằm ngoài dự đoán. Bài thi của khối 12A3 nằm khép nép trong cột giải khuyến khích. Cả lớp rơi vào trạng thái hụt hẫng. Một kết quả mà ngoài người dự thi, không một ai nghĩ đến. Mai kéo tôi ra ngoài hỏi:
– Hồng đâu đến nỗi vậy. Hay là tại Mai…
Tính tôi vốn tò mò, muốn biết suy nghĩ của người khác thế nào, nên hỏi lại:
– Thế theo Mai thì tại sao?