THẤT LÃO KIẾM - Chương 35: Hoạt Tử Nhân
Lần này thì cả hai bước đi có vẻ vội vàng, vì càng lên cao, càng gặp tuyết dày, cái lạnh càng thấm thía, hơn nữa, thời gian đã cách hơn nửa tháng rồi.
Họ nôn nóng phi thường. Nhìn quanh, họ không thấy một bóng người, không có du khách lẫn tiều phu.
Lâm Quỳnh Cúc thở dài :
– Nghĩ bọn ni cô của Lâm Nhiêm Khách cũng là những con người tốt! Về võ công, họ học được tuyệt nghệ của sư tôn, về tài riêng thì họ lại rành cầm kỳ thi họa! Trong mấy hôm nay, họ hết sức chân thành với tôi…
Nàng cho biết luôn :
– Họ, mỗi người đều có truyền cho tôi một vài sở học!
Nhuế Vĩ cũng mơ màng nghĩ lại thời gian qua. Lâm Nhiêm Khách Lộ Đình Hoa quả có hảo ý với chàng, và chả trách con người có tài cao thì thường có tật lạ!
Lâm Quỳnh Cúc chợt thốt :
– Không được sống chung mãi mãi với đại ca, chắc là đời tiểu muội mất hết thú vị!
Nhuế Vĩ giật mình. Làm sao có cảnh trường kỳ đoàn tụ được! Và đến khi đó thì nàng phải thất vọng phi thường! Chàng nghĩ, từ hôm nay, chàng phải tập dần cho nàng quen sự phân ly, bởi dù muốn dù không một ngày nào đó, cũng sẽ có phân ly. Chàng bắt đầu thưa nói năng với nàng.
Họ hướng về phía Tây Nam mà đi, Lam Nhiêm Khách cho họ biết, Nhất Đăng thần ni ở về phía đó.
Không lâu lắm, họ phát hiện ni am trong tầm mắt. Ni am màu vàng, rộng lớn và có vẻ hùng vĩ. Trước cửa, có tấm bảng lớn, trên bảng có bốn chữ: “Tương Phi thần ni”.
Trước am, có mây gốc tùng bao quanh một vuông sân rộng, tuyết được quét kỹ, không còn một hạt tuyết đọng.
Nhuế Vĩ gọi to :
– Vãn bối là Nhuế Vĩ, cầu kiến Thần ni. Xin ai đó thông báo!
Chàng gọi mấy lượt, chưa có người đáp. Chàng toan đến gần, gõ cửa, bỗng từ bên trong một âm thanh hòa dịu vọng ra :
– Học đủ tám chiêu kiếm chứ?
Nhuế Vĩ tin chắc đó là âm thinh của Nhất Đăng thần ni. Chàng thành thật đáp :
– Vãn bối không làm được vẹn lời phân phó của Thần ni, trong tám chiêu, chỉ học được sáu! Bởi vì…
Chàng định giải thích lý do.
Âm thinh bên trong chận chàng :
– Học chưa đủ, còn đến đây làm chi? Hạn cho ngươi một thời gian nguội chén trà, phải ly khai nơi này!
Khi nào Nhuế Vĩ chịu đi dễ dàng như vậy? Chàng bèn tóm lược sự tình thuật lại với vẻ cực kỳ tôn kính.
Lâm Quỳnh Cúc thầm nghĩ :
– “Hẳn là Thần ni phải bằng lòng với sự thiếu vắng hai chiêu kiếm đó.”
Nhuế Vĩ thốt xong, thời gian nguội chén trà chấm dứt. Cửa mở. Tám ni cô bước ra, phân thành hai hàng, chính giữa là nữ ni tác trung niên, nơi ngực có xâu tràng hạt đeo từ cổ thòng xuống.
Tuy vào hạng trung niên, tuy vận ni trang, nữ ni vẫn diễm kiều như thời thanh xuân. Nữ ni liếc mắt, thoáng qua Nhuế Vĩ và Lâm Quỳnh Cúc, trầm gương mặt lạnh, hỏi :
– Nhuế Vĩ! Ngươi chưa ly khai à?
Nhuế Vĩ nghiêng mình, vái sâu, hỏi :
– Lão tiền bối là Nhất Đăng thần ni?
Nữ nhi càng lạnh gương mặt :
– Ai là lão tiền bối? Tiền bối suông không đủ sao, thêm tiếng lão làm gì?
Ngươi định khinh nộ ta à?
Nhuế Vĩ không tưởng cái tiếng lão, là tiếng tôn xưng bậc trưởng thượng, lại làm cho bà cáu kỉnh như vậy.
Chàng có biết đâu, Nhất Đăng thần ni rất sợ già! Ai gọi bà là lão ni, là chẳng khác người đó mắng vào mặt bà. Dù bà là ni, là kẻ xuất gia, bà vẫn luôn luôn tha thiết đến dung nhan!
Nhuế Vĩ chiều ý bà, tiếp :
– Bạch cùng tiền bối, vãn bối muốn gặp Dã nhi! Gần đây nàng được mạnh giỏi chăng?
Nữ ni chính là Nhất Đăng thần ni. Thần ni trầm giọng :
– Ngươi cứ lo cho nàng, bất chấp lời nói của ta, phải không?
Nhuế Vĩ trình bày :
– Sự phân phó của tiền bối, qua trung gian của Thất Tình Ma, vãn bối luôn luôn ghi nhớ, vãn bối hy vọng được gặp mặt Dã nhi thôi, ngoài ra chẳng mong muốn chi hơn!
Thần ni hừ lạnh :
– Ta nghĩ đến cái công của ngươi tìm Đại Long Châu trị bịnh của Dã nhi, nên đã cho ngươi một thời gian nguội chén trà, sao ngươi chưa chịu ly khai?
Bà gằn giọng tiếp :
– Ngươi chờ ta xuất thủ à?
Lâm Quỳnh Cúc kêu lên :
– Sao bà cố chấp thế! Hở lão ni?
– Lại lão! Lão ni!
Thần ni nổi giận chớp tay. Xâu tràng hạt thoát cổ, bay ra, bắn vào ngực Lâm Quỳnh Cúc.
Một tiếng “soạt” vang đến. Xâu tràng hạt chạm kiếm của Nhuế Vĩ. Chàng xuất thủ với chiêu “Vô Địch Kiếm”.
Nhất Đăng thần ni lạnh lùng :
– Khá! Khá lắm! Dùng “Hải Uyên kiếm pháp”, đối phó với hạt chuỗi của ta! Không cho ta giết liễu đầu. Như vậy là ngươi muốn tự hạ sát nàng! Ngươi còn chờ gì nữa mà không xuống kiếm?
Nhuế Vĩ thu kiếm, cao giọng hỏi :
– Vô duyên, vô cớ, tại sao tiền bối muốn giết nàng?
Thần ni quát :
– Ngươi dạy ta môn đạo đức?
Nhuế Vĩ nghiêm trọng :
– Vãn bối đâu dám vô lễ?
Thần ni cười lạnh :
– Không dám, song vẫn vô lễ như thường!
Bà chụp một nắm gai tùng, quăng sang Lâm Quỳnh Cúc. Mấy mươi mũi gai bay đi, rào rào nhắm ngực Lâm Quỳnh Cúc lao vào.
Lâm Quỳnh Cúc kinh hoảng, rú sợ.
Nhuế Vĩ vốn lưu ý đến Thần ni, bạt kiếm phát xuất chiêu kiếm Bát Phá. Gai tùng bị vừng kiếm ảnh cuốn hút, bắn đi tứ phía.
Hai lần xuất chiêu, bị giải phá cả hai. Thần ni sôi giận, quát :
– Nhuế Vĩ! Ngươi chán sống phải không?
Nhuế Vĩ thản nhiên :
– Dù cho nàng có phạm tội bất kính, tội đó cũng chưa đáng xử tử!
Thần ni cười lạnh :
– Ngươi muốn yên ấm với Dã nhi, sao không để ta giết liễu đầu? Ta giết nàng, là tiêu trừ cho ngươi một chướng ngại vật đó!
Nhuế Vĩ lắc đầu :
– Giết một người, để gặp một người, vãn bối không thể làm được, mà Dã nhi cũng không tán đồng chủ trương đó!
Thần ni tiếp :
– Ta giết, đâu phải ngươi giết mà Dã nhi bất mãn? Ta không sợ nàng oán trách ta!
Nhuế Vĩ lắc đầu :
– Là người xuất gia, sao bà cứ nghĩ đến việc giết người?
Thần ni hét lớn :
– Trong đời ta, chưa thấy ai dám nghịch ý ta! Ngươi đừng bắt buộc ta phải đại khai sát giới!
Bà rút chiếc phất trần bên cạnh, quét qua Nhuế Vĩ. Trước khi trúng Nhuế Vĩ, phất trần phải chạm Lâm Quỳnh Cúc.
Nhuế Vĩ bạt kiếm ngăn chận.
Thần ni hét :
– Hôm nay, nếu ngươi thắng được chiếc phất trần của ta, chẳng những liễu đầu khỏi chết, mà ngươi cũng được gặp Dã nhi!
Nhuế Vĩ cao giọng :
– Tốt lắm!
Chàng phát xuất chiêu “Vô Địch Kiếm”.
Thần ni điềm nhiên như thường. Bà xoay tay, đuôi phất trần vẽ một vòng tròn. Oai lực nhát kiếm tiêu tan mất.
Nhuế Vĩ cho ra luôn các chiêu: “Đại Ngu”, “Hồng Thủy”, “Đại Long”, “Thương Tâm”. Chiêu kiếm chưa tròn đà, oai lực của nó tan biến như với chiêu đầu. Nhuế Vĩ không ngờ “Hải Uyên kiếm pháp” vô dụng như vậy. Chàng cho rằng tài nghệ của Thần ni đã đạt đến mức siêu huyền nhập ảo, cả Hồng Bào Nhân, Lam Nhiêm Khách, cũng còn kém xa bà, nói gì là Thất Tàn Tẩu!
Thực ra, Nhuế Vĩ đâu có hiểu, một kiếm pháp dở dang, chẳng phát huy được toàn oai lực của nó. Sở dĩ thế, Thất Tàn Tẩu không ngại phí bỏ bao nhiêu tuổi đời, quyết học toàn bộ. Và cũng sở dĩ thế, chàng không uy hiếp nổi Nhất Đăng thần ni với kiếm pháp vô địch song lại dở dang! Nếu chàng học đủ tám chiêu, thì Thần ni đâu có dám khinh thường? Giả dĩ, Thần ni am tường chiêu số của “Đao pháp Hải Uyên”, bà dễ dàng ứng phó với kiếm pháp đó, hơn bất cứ ai khác! Chính bà cũng phổ chế một kiếm pháp bắt nguồn từ đao pháp. Thì làm sao Nhuế Vĩ đắc hủ được với một môn công dù là tuyệt học song chưa toàn vẹn?
Là nữ nhân, Thần ni thừa hiểu đao pháp không thích hợp. Cho nên, bà dùng kiếm thay đao. Nhưng, bà luyện qua bao nhiêu năm dài, vẫn không có kết quả mỹ mãn, trái lại còn hao tổn chân ngươn. Lúc đó bà mới biết, môn công Hải Uyên không thích hợp với bản chất âm nhu, đúng như Hồ Nhất Đao đã nói với bà thuở trước. Bà bỏ luôn, không luyện nữa. Bà nghĩ, nếu sau này có người hiểu được kiếm pháp Hải Uyên thì bà đâu còn là tay vô địch trên giang hồ? Bà không luyện, song bà nghiên cứu cách thức phá giải. Về phương diện này, phải kể là bà thành công, bằng cớ là bà dồn Nhuế Vĩ vào cảnh thụ động không khó khăn gì.
Bà hân hoan, không sợ còn là đối thủ của bất cứ ai am tường kiếm pháp siêu huyền đó nữa. Bà thốt :
– Còn một chiêu thủ, ngươi cứ giở ra thi triển cho ta xem!
Người ta công, bà giải phá được. Người ta thủ, bà thử công xem sao! Nếu bà công được, là bà thành tựu mỹ mãn.
Bà xuất phát phất trần, công vào chỗ yếu hại của Nhuế Vĩ.
Nhuế Vĩ đưa ra ngay chiêu “Bất Phá Kiếm”. Từng lớp, từng lớp kiếm ảnh phát sanh, bao bọc quanh mình chàng.
Nhưng phất trần xuyên qua các lớp kiếm ảnh sắp sửa đập vào ngực Nhuế Vĩ. Nhuế Vĩ kinh hãi, ấn chân xuống đất, theo đúng chiêu thức của “Phi Long bộ”.
Thần ni hoa mắt lên.
Nhuế Vĩ vọt mình ra ngoài vùng nguy hiểm, như bóng ma tan biến.
Phất trần quét vào khoảng không, Thần ni kinh ngạc, phát hiện ra Nhuế Vĩ đã đứng phía sau lưng bà. Bà cười nhạt thốt :
– Giỏi! Xem ngươi còn trốn tránh được bao lâu nữa.
Bà liền sử dụng bộ pháp Lăng Ba. Theo bước chân, vung tay, quất phất trần vào mình Nhuế Vĩ.
Nhuế Vĩ vừa chuyển động thân hình theo “Phi Long bộ”, vừa phát xuất “Hóa Thần chưởng”, tay đập tay kêu bốp bốp.
Phất trần của Thần ni quất vào khoảng không kêu vút vút. Nhưng, dù bà lợi hại, cũng không tìm được bóng dáng Nhuế Vĩ, mà chỉ thấy một trời chưởng ảnh, làm bà hoa mắt từng cơn. Chẳng những thế, bà còn phải tự vệ, thành ra thế công xuất phát một phần, dành lại một phần để giữ thế thủ. Rồi, trong một giây sơ suất, bà để cho Nhuế Vĩ đá vào phất trần, phất trần vuột tay, bay đi, rơi ngoài xa. Bà liền vọt mình theo, chụp lại chiếc phất trần.
Nhuế Vĩ buông kiếm, bà vuột phất trần, thế là huề, cả hai chưa ai thắng, ai bại. Tuy cục diện kể như hòa, song Thần ni không khỏi mất thể diện trước đám hậu sanh đệ tử.
Phàm trong cuộc tỷ thí võ công, ai bị đánh rơi vũ khí, là người đó cầm như bại. Nhuế Vĩ thuộc lớp hậu sanh, dù có bại trước một bậc tiền bối, cái đó không đáng cho là nhục. Chứ còn bà, dù sao cũng là bậc sư trưởng, một Chưởng môn, một Giáo chủ, rơi vũ khí là cái nhục lớn lao, rơi vũ khí với một đấu thủ hậu sanh, cái nhục càng lớn lao hơn!
Bà quyết báo hận, xuất thủ cực kỳ lợi hại. Vô ích! Chiếc phất trần của bà từng hạ trăm, hạ ngàn cao thủ võ lâm qua mấy mươi năm dài, hôm nay chỉ còn là một vật vô dụng.
Với “Phi Long bộ pháp”, Nhuế Vĩ tránh né dễ dàng, rồi thỉnh thoảng chàng lại sử dụng “Hóa Thần chưởng pháp”, làm bà lắm phen lên ruột.
Song phương giao đấu gần trăm chiêu rồi. Càng lúc, Thần ni càng bị dồn lui về phía hậu.
Chiêu số trao đổi vượt qua giới hạn một trăm.
Thần ni hét lên :
– Tiểu tử khi ta thái quá! Hôm nay, ngươi có chết, cũng không oán trách ta được!
Bà đổi đấu pháp, thay vì đánh phất trần tới, bà lại đánh ngược về phía sau.
Đúng lúc Nhuế Vĩ tiến lên. Phất trần phớt qua lưng chàng.
Thì ra bà không công trước mặt, biết rằng Nhuế Vĩ sẽ hóa giải được thế đánh. Bà ước độ lối tiến thoái của chàng, toan chuẩn đà xê dịch áp dụng lối đánh đó.
Bị phất trần phất lưng, nhằm chỗ nhược. Nhuế Vĩ nghe như chân khí thoát ra, chàng không còn chủ trì được nữa, ngã xuống.
Thần ni tiến lên, vung chưởng định giáng xuống chàng.
Nhuế Vĩ cầm chắc phải chết, nhắm mắt lại than thầm :
– Mạng ta hưu hỉ!
Bỗng, một âm thinh hòa dịu vang lên :
– A Ngọc! Sao ngươi lại giết người?
Nhuế Vĩ chờ mãi, không nghe chưởng phong, vội mở mắt ra, thấy Thần ni lùi ra cách chàng xa hơn trượng. Bên cạnh bà, có một lão nhân, thần sắc tử tường.
Có lẽ số tuổi của lão nhân rất cao, song chừng như dù cho lão nhân sống thêm bao nhiêu trăm năm nữa, cái mức già vẫn thế thôi. Bảo rằng con người đó không già hơn nữa cũng được bởi cái vĩ tiên phong đạo cốt của lão quí mãi dung nhan của lão, không cho già. Và thời gian chỉ có ảnh hưởng đến râu tóc của lão thôi, thời gian phải đầu hàng trước dung nhan của lão.
Nhuế Vĩ biết ngay chính lão nhân cứu chàng. Chàng dợm mình định đứng lên, bước tới cảm tạ. Nhưng lưng chàng nhói lên, đau quá, chàng lại nằm xuống như cũ.
Mãi đến lúc đó, Lâm Quỳnh Cúc mới hoàn hồn, rú lên kinh hãi, chạy tới dìu chàng. Nàng rút một vật gì ở lưng chàng cắm sâu vào da thịt.
Nhuế Vĩ quay đầu nhìn. Thì ra là chiếc phất trần.
Máu từ vết thương trào ra, ướt cả lưng Nhuế Vĩ. Lão nhân bước tới, bảo :
– Ngưng thở, bế huyệt lại!
Nhuế Vĩ làm y theo lời.
Lão nhân vươn tay, điểm vào mấy huyệt đạo trên mình Nhuế Vĩ, rồi lấy thuốc đắp lên vết thương. Vết thương bít miệng liền. Lão an ủi Lâm Quỳnh Cúc :
– Chẳng có sao đâu, cô nương không nên quá thương tâm. Trong vòng một tháng tịnh dưỡng là tiểu tử lành mạnh như thường.
Thần ni lúc đó mới cất tiếng :
– Hoạt Tử Nhân! Ông lại can thiệp vào việc của tôi nữa đó nhé!
Cái tên kỳ quái quá.
Bất giác Nhuế Vĩ nhìn lão nhân, quan sát kỹ hơn.
Lão nhân cười nhẹ :
– A Ngọc! Ngươi đã đáp ứng với ta, là không còn sát nhân nữa, chỉ cần ngươi không sát nhân là ta không can thiệp vào việc của ngươi!
Thần ni thở dài :
– Tôi không giết chúng đâu! Hoạt Tử Nhân hãy đi đi.
Hoạt Tử Nhân lắc đầu :
– Việc này thì là không thể bỏ qua. Ta đã can thiệp, thì phải can thiệp đến nơi đến chốn! Xong rồi, ta mới đi được.
Thần ni nổi giận :
– Ông muốn cái gì nữa?
Hoạt Tử Nhân mỉm cười :
– A Ngọc! Sao ngươi nổi giận? Ta ở trên tàng tùng nhìn xuống, thấy rõ ràng. Lúc ngươi đánh Nhuế Vĩ trọng thương, ta không can thiệp. Nhưng hắn thọ thương rồi mà ngươi còn muốn giết hắn, thì ta thản nhiên làm sao được?
Thần ni đáp :
– Tôi không nổi giận trước mặt ông nữa! Vậy ông muốn gì hãy nói ra đi, lần này tôi cũng tuân theo lời ông!
Hoạt Tử Nhân tiếp :
– Thứ nhất ngươi nhận bại trước Nhuế Vĩ.
Thần ni đáp :
– Tôi có phất trần, hắn tay không, hắn cầm cự nổi hai trăm chiêu mà không bại, dù hắn không thắng, tôi nhận bại cũng chẳng sao!
Hoạt Tử Nhân tiếp :
– Thứ hai…
Thần ni chận lại :
– Không có thứ hai thứ ba chi cả. Chúng ta đã thỏa thuận với nhau là cứ mỗi lần, ông chỉ can thiệp vào một việc, một thôi! Chẳng lẽ ông quên?
Hoạt Tử Nhân tiếp :
– Ta đâu có can thiệp đến hai việc? Cái điều thứ hai ta muốn đề cập đó, là nhắc nhở ngươi nên nhớ những gì đã nói. Ngươi đã nhận bại, thì phải để cho Nhuế Vĩ hội diện với Cao cô nương.
Thần ni thở dài :
– Ông lợi hại thật! Không lần nào đấu lý mà tôi lại thắng nổi ông! Được rồi!
Bà gắt :
– Nhuế Vĩ! Đừng vờ chết! Đứng lên đi theo ta gặp Dã nhi.
Bà quay mình, không đi vào am mà lại tiến về bên tả.
Nhuế Vĩ do Lâm Quỳnh Cúc dìu, chập choạng đi theo bà.
Hoạt Tử Nhân cũng theo luôn.
Đến một ngọn tuyết phong, bà dừng lại trước một khung cửa sắt. Thần ni lấy chiếc chìa khóa, tra vào ổ khóa, chưa kịp vặn, đà tay của bà hơi mạnh, cánh cửa sắt mở ra.
Cánh cửa không khóa? Hoặc giả, ổ khóa bị phá hỏng?
Bà giật mình, gọi gấp :
– Dã nhi! Dã nhi!
Nhuế Vĩ nổi giận :
– Thế ra, bà nhốt nàng tại đây?
Thần ni quay đầu lại, gằn giọng :
– Đệ tử của ta cãi lời ta, ta cấm nó giao du với đồ đệ của Du Bách Long, nó lại kết thân với ngươi thì ta trừng phạt nó. Ta nhốt nó rồi có sao không?
Nhuế Vĩ kêu lên :
– Bà ác độc lắm! Bà thù sư phụ tại hạ, sao bà cưỡng bách đồ đệ của bà thù luôn tại hạ? Sư phụ tại hạ đã làm gì mà bà thù?
Thần ni toan đánh ra một chưởng, nhưng bà dằn lòng, bước vào động.
Động vắng người. Cao Mạt Dã mất dạng!
Thần ni mắng oang oang :
– Liễu đầu ngoan cố! Dám trốn đi! Không tuân sư huấn!
Lâm Quỳnh Cúc kêu lên :
– Mảnh giấy gì đây?
Lưu bút của Cao Mạt Dã, nàng viết :
“Sư phụ tha thứ cho đệ tử phải ra đi. Góc biển ven trời, đệ tử không có định hướng, sư phụ đừng tìm đệ tử. Nếu Nhuế Vĩ đến, đệ tử nhờ sư phụ nói với hắn, còn duyên gặp gỡ, hậu hội vẫn còn!”
Một tiếng “bịch” vang lên.
Lâm Quỳnh Cúc thét hoảng :
– Đại ca!
Nhuế Vĩ đã ngã xuống, hôn mê luôn.