THÀNH LẬP CỘNG HÒA NĂM 1400 - Chương 45
Ngày 11 tháng 11, quân Ngõa Thích của Dã Mộc Chân đánh Đại Đồng, tướng Ngô Hạo nhà Minh đụng độ Dã Tiên ở Miêu Nhi Trang…
– Thái sư, ngài nhìn, quân Minh đang bày trận dưới kia, muốn chống lại quân ta. – trinh sát cưỡi ngựa chạy lại báo với Dã Mộc Chân
– Ha ha, quả là ngu ngốc, nếu quân Minh dựa vào thành mà thủ, chúng ta còn không làm gì được, muốn cùng dũng sỹ Mông Cổ đối trận sao? Các con cháu của Thành Cát Tư Hãn, các con của Trường Thanh thiên, hãy cho quân Minh biết, bọn chúng vẫn là cừu, còn chúng ta là sói!!! – Dã Mộc Chân cười lớn nói
– Grào!!! Grào!!! Grào!! Grào!!!
Quân Mông cổ gào lên, thúc ngựa lao xuống, tiến về trận hình của quân Minh
Ngô Hạo mặc Minh quang bảo giáp, cưỡi ngựa cầm đại đao đứng giữa trung quân, ung dung nói
– Quân Mông Cổ vốn bị tiên đế (Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương) đuổi về Mạc Bắc, thế nhưng tà tâm bất tử, nay lại dám kéo xuống xâm lấn Đại Minh ta, quả là tự tìm đường chết. Các tướng hãy cùng ta đồng tâm phá tặc, chờ khi triều đình ban thưởng, tất sẽ có hậu hĩnh hồi báo.
Các tướng đều ồ lên cho là phải. Đúng lúc này thì có thám tử chạy lại báo
– Bẩm tướng quân, có hai đội kỵ binh của quân địch đang chạy đến đây.
Ngô Hạo cười mà nói rằng
– Quân địch chạy đến chịu chết đây mà!
Nói rồi sai quân bày trường thương trận, sẵn sàng ngăn địch. Nào ngờ các kỵ binh Mông Cổ chạy lại gần, lập tức cầm cung bắn một loạt, tên bay như châu chấu, quân Minh bị bắn chết như ngả rạ. Quân Minh vừa định biến trận bắn trả thì các kỵ sỹ Ngõa Thích lại quay đầu thúc ngựa bỏ chạy, nhưng không quên ngoái đầu lại phóng tên. Quân Mông Cổ cứ vừa bắn vừa chạy, kéo dài trận hình của quân Minh sang hai cánh, mà Ngô Hạo vẫn hồn nhiên không phát hiện ra. Dã Mộc Chân cưỡi ngựa quan sát thấy thời cơ đã đến, lập tức vung tay, mấy ngàn kỵ binh mông cổ vung loan đao, trường thương ào ào lao xuống, đánh thẳng vào trận của quân Minh. Ngô Hạo lúc này mới nhận ra trận hình bị dàn mỏng, vội vàng hạ lệnh biến trận. Lệnh này vừa ra, trận hình liền hoảng loạn, không ra hàng lối. Quân Ngõa Thích thừa cơ xông thẳng vào, chém giết quân Minh vô số. Quân Minh thấy trận hình bị phá thì thi nhau bỏ chạy. Sỹ khí tụt dốc không phanh, cơn hoảng loạn lây lan nhanh chóng, chả mấy chốc mà mấy vạn quân Minh bỏ vũ khí, cờ quạt chạy trốn hết cả. Ngô Hạo chém giết mấy người nhưng không ngăn được quân địch, vội quay ngựa định bỏ chạy về thành. Nhưng đúng lúc đó, một mũi tên của tộc Ngõa Thích đã bắn trúng yết hầu của hắn, kết thúc tính mạng viên tướng này. Quân Ngõa Thích đuổi theo, thỏa sức chém giết quân Minh vô số rồi mới quay ngựa bỏ chạy.
Dã Mộc Chân vung roi ngựa chỉ vào đống vũ khí mà quân Minh vứt lại cười mà nói rằng
– Đấy, ta đã nói mà, người Hán chỉ là đám cừu non, mặc cho sói thảo nguyên săn bắn.
Các tướng đều khen phải. Quân Ngõa Thích lại tiếp tục tiến lên, tiến đánh Đại Đồng. Minh Thành Tổ phái Tỉnh Nguyên mang 4 vạn quân cứu viện Đại Đồng, nhưng cũng bị quân Ngõa Thích mai phục tiêu diệt sạch. Tình hình càng lúc càng tệ, khi ở Tuyên Phủ, quân Ngõa Thích bao vây quân Minh nhiều ngày, cắt đứt nguồn nước. Tại Đại Đồng, các tướng Minh là Tống Anh, Chu Miện, Thạch Hanh trấn giữ Đại Đồng ra đánh đều thua nặng, Tống Anh và Chu Miện tử trận, chỉ có Thạch Hanh chạy thoát được về thành.
Chỉ 4 ngày sau, tin dữ truyền về kinh đô Nam Kinh, quân Ngõa Thích chiếm được Đại Đồng, Tuyên Phủ, Liêu Đông, Cam Châu, thả sức cướp đoạt của cải, phụ nữ, đem về phương Bắc, còn trai tráng thì biến thành nô lệ, bí mật bán cho Đại Việt…
Minh Thành Tổ tức giận thề không đội trời chung cùng Mông Cổ, muốn phát binh đánh Ngõa Thích, nhưng trời vừa sang đông, đường xá khó khăn nên đành phải để đến sang năm.
———–
Nam Kinh, bộ Công.
Minh Thành Tổ cầm trong tay khẩu súng trường Liên Việt 1402 t3, ngắm về phía người rơm, nổ một phát súng. Súng nổ vang, mũ giáp trên đầu người rơm bị bắn thủng một lỗ khá to. Mấy tên thái giám, nịnh thần vội quỳ xuống hô vạn tuế, chỉ có đám Trương Phụ, Mộc Thạnh… cùng mấy tên quan bộ Công là nhíu mày, tỏ ra lo lắng.
Chu Lệ nói
– Tiền ái khanh, thứ này… có thể chế tạo hàng loạt sao?
Tiền Mãn Sương, thượng thư bộ Công vội vàng quỳ xuống tâu
– Vi thần tội đáng muôn chết. Thứ này nói phức tạp thì rất phức tạp, nói đơn giản thì rất đơn giản, nhưng muốn chế hàng loạt… e rằng rất khó
– Tại sao? – Minh Thành Tổ hỏi
– Bệ hạ, mời bệ hạ nhìn đây – Tiền Mãn Sương chỉ vào một đoạn nòng súng đã bị cưa làm đôi để lộ ra rãnh nòng súng – thứ này giúp đường đạn đi chuẩn xác hơn, nhưng như vậy thì khó cho việc sử dụng đạn tròn, bởi vậy – hắn lại chỉ vào viên đạn của quân Liên Việt – quân Nam chế tạo đạn hình như thế này, chỉ cần thứ này – chỉ kim hỏa – đập vào là gây nổ, viên đạn bắn ra. Việc này thực ra có thể dùng thuốc súng và đá lửa thay thế, nhưng mà… viên đạn chế tạo không thể nào đủ để tiêu hao.
– Vậy phải làm sao?
– Thực tế thần đã chế được thứ này – Tiền mãn Sủng đưa lên một khẩu súng hỏa mai, gần giống với khẩu súng hỏa mai hiện đại. Nếu Mạnh, Kiên và Văn ở đây, chẳng biết nên cười hay nên khóc khi lão họ Tiền này dựa vào súng trường hiện đại chế ra súng hỏa mai thế kỷ 15-16… – tầm bắn là 200m, dùng đạn viên, thuốc súng đen, so với cung còn mạnh hơn, mà lại có thể sản xuất hàng loạt
– Tốt lắm – Minh Thái Tổ mừng rỡ nói – ta phong cho ngươi lên chức quan nhị phẩm, lo việc chế tạo vũ khí. Ta muốn cấm vệ quân toàn bộ trang bị súng này.
– Vi thần tuân chỉ, Ngô hoàng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế…
———–
Bán đảo Triều Tiên lúc này cũng đang chìm trong khói lửa.
Năm 1392, tướng quân Triều Tiên là Lý Thành Quế gây chính biến, lật đổ vương triều của Cao Ly U Vương, rồi dưới sự áp bức của các tướng quân, Lý Thành Quế nhận vương miện, lên ngôi vua Triều Tiên. Do thiếu dòng máu vương tộc, Lý Thành Quế phải tìm kiếm tính hợp pháp cho sự thống trị của mình, bởi thế, triều đình mới của Lý tham gia vào hệ thống triều cống trong khái niệm Thiên Mệnh để được nhận sự công nhận của Trung Quốc. Nhưng từ năm 1404, trong cuộc thảo luận với shogun Ashikaga, liên minh Việt – Nhật đã sớm quyết định vận mệnh của hòn đảo nhỏ bé này. Bởi thế, ngay từ đầu năm 1405, hội Liên Việt đã cử một số công nhân biết chế tạo súng hỏa mai sang Nhật dạy người Nhật chế tạo súng, pháo thần cơ, đồng thời Kiên cũng đích thân sang Nhật chỉ dạy cho các chiến binh túc khinh và samurai các chiến thuật sử dụng súng hỏa mai (Thằng này kiếm cớ sang Nhật gặp công chúa Riei thì có). Đến tháng 8 năm 1405, Ashikaga đã nắm trong tay 10 ngàn túc khinh và 2000 samurai sử dụng thành thạo súng hỏa mai.
Ở Triều Tiên, quân Triều tiên tuy đã sớm ứng dụng thuốc súng vào trong quân sự, nhưng chỉ dừng lại ở hỏa xa và hỏa pháo. Người Triều Tiên có một lực lượng hải quân hùng mạnh, vốn phục vụ đế chế nhà Nguyên, sau lại khởi nghĩa về với quân Triều Tiên; cùng một hệ thống pháo đài dọc sông Tumen được trang bị hỏa pháo.
Dưới sự chỉ đạo quân sự của Kiên, đến tháng 8 năm 1405, Ashikaga đã có trong tay 400 ngàn quân chiến binh đã qua tôi luyện (thực tế là 500 ngàn, nhưng 100 ngàn sẽ bị đưa sang Đại Việt làm lính đánh thuê), trong khi đó quân Triều Tiên thì vô kỷ luật, huấn luyện và trang bị kém, được sử dụng chủ yếu cho việc… xây dựng tường thành, còn các tướng leo lên vị trí tướng quân nhờ các mối quan hệ xã hội thay vì khả năng quân sự.
Về trang bị, quân Nhật được trang bị như sau: Túc khinh: Giáo yari hoặc cung chiến làm bằng tre và gỗ kết hợp lại, hoặc súng hỏa mai; 2 thanh kiếm là katana và wakiyashi, samurai: Giáo yari, trường đao naginata, trường kiếm no – dachi, cung chiến hoặc súng hỏa mai; 2 thanh kiếm. Quân Triều Tiên trang bị tệ hơn nhiều, bộ binh triều tiên được trang bị một hay nhiều loại trong số các vũ khí cá nhân sau: kiếm, giáo, đinh ba, cung tên. Người Triều tiên sử dụng một trong những loại cung tiên tiến nhất ở Châu Á lúc bấy giờ là loại cung ghép từ nhiều loại vật liệu được dát mỏng với một đường cong hướng vào trong cho hiệu quả cao nhất. Tầm tối đa của cung Triều Tiên là 450m, trong khi cung Nhật chỉ được 320m. Tuy vậy, huấn luyện 1 xạ thủ có thể sử dụng cây cung này hiệu quả thì vừa lâu lại vừa khó.
Như đã nói ở chương trước, tháng 10 năm 1405, Shogun Ashikaga xuất binh Triều Tiên, 100 ngàn túc khinh, 20 ngàn samurai chia làm 7 cánh quân, từng bước đổ bộ lên đất Triều Tiên. Ngày 23 tháng 10 năm 1405, cánh quân thứ nhất của Konishi Yukinaga gồm 187000 lính đến thành phố cảng Phủ San vào buổi tối. Đây chính là đội quân tiên phong, tiền tiêu của quân Nhật. Thám báo của hải quân Triều Tiên đã phát hiện được hạm đội Nhật Bản, nhưng Nguyên Quân, Thủy quân Hữu đạo của Khánh Thượng tưởng lầm đó là thuyền buôn. Báo cáo sau đó cho thấy sự xuất hiện của 100 thuyền Nhật, khiến vị tướng này nghi ngờ, nhưng ông cũng không ra lệnh gì. So Yoshitoshi, một tướng của Nhật, đã xuống thuyền một mình, lên đảo và yêu cầu người Triều Tiên đầu hàng nhưng bị chỉ huy quân Triều Tiên từ chối. Bởi vậy So Yoshitoshi đã điều binh bao vây Phủ San, trong khi Konishi Yukinaga tấn công trấn Đa Đại gần đó.
Vài trăm lính Triều Tiên đội mũ rộng vành, cầm đinh ba, dưới sự lãnh đạo của một viên trấn thủ, sử dụng cung tên bắn về phía quân Nhật. Nhưng những mũi tên lẻ tẻ đó của quân Triều Tiên không cản được bước tiến của các samurai hung hãn. Quân túc khinh ào ào tràn vào thị trấn, thả sức chém giết, cướp bóc… Lính Triều Tiên khiếp đảm trước sự hung hãn của quân Nhật, quay lưng bỏ chạy. Các chiến binh Nhật đuổi theo đem những người lính này chém chết. Từng đoàn dân chúng Triều Tiên bị trói lại, bịt mắt rồi đưa lên chiến thuyền cỡ lớn chở về Đại Việt.
Sau khi làm cỏ xong trấn Đa Đại, quân Nhật hội binh dưới chân thành Phủ San. Quân Triều Tiên dùng đại pháo, cung tên bắn vào quân Nhật. Yukinaga tung 2000 lính túc khinh dùng hỏa mai lên phía trước, sử dụng hỏa lực đồng loạt bắn chặn quân Triều Tiên, sau đó các samurai và túc khinh bắt đầu bắc thang leo vào trong thành. Quân Triều Tiên cố gắng chiến đấu, nhưng những người lính yếu ớt, huấn luyện kém làm sao có thể ngăn được bước chân các samurai tinh nhuệ người Nhật. Chỉ sau 30 phút giao tranh, quân Triều Tiên hoặc là bỏ chạy, hoặc là đầu hàng. Quân Nhật lại tiến hành đồ sát trong thành, tiếng khóc than, ánh lửa, tiếng kêu gào vang lên khắp nơi.