THÀNH LẬP CỘNG HÒA NĂM 1400 - Chương 37
Trong phòng tiếp khách của tòa thị chính, Hồ Tôn Hiến, sứ thần nhà Minh đảo đôi mắt lươn quét khắp nơi, choáng ngợp với những đèn treo thủy tinh, thảm Ba Tư, cốc pha lê, gương tráng bạc trang trí khắp phòng. Lâm Tú Viên ngồi đối diện với hắn, môi xinh khẽ bĩu lên, nhủ thầm trong lòng “Đúng là đồ nhà quê, đồ người rừng”. Nhưng là một viên quan ngoại giao ưu tú, nàng không để cảm xúc thể hiện ra mặt, chỉ khẽ mỉm cười nói
– Sứ thần, ngài thấy thế nào?
– Xa hoa, tất xa hoa. Lộ thấy lơi lày so dới hoàn tung của tại Minh tòn xa hoa hơn lữa… (Xa hoa, rất xa hoa. Ngộ thấy nơi này so với hoàng cung của đại Minh còn -xa hoa hơn nữa – sau đoạn này bắt đầu dùng tiếng Việt) – Hồ Tôn Hiến cảm khái nói – không biết bao giờ ngộ mới được gặp vua của các nị?
– Hoàng đế bệ hạ đã giao hết việc đàm phán ngoại giao cho ta, ngài có chuyện gì cứ trao đổi với ta cũng được – Viên Viên mỉm cười nói
– Hồ đồ, thật là hồ đồ. Làm sao ta có thể trao đổi chuyện quốc gia đại sự với một người đàn bà chứ – Hồ Tôn Hiến tức giận phùng mang trợn mắt
– Vậy thì rất lấy làm tiếc, xin mời sứ thần trở về thôi – Viên Viên không hề tức giận mà mỉm cười lễ phép nói
– Ngươi … các người… thật sự là quá khinh người mà
– Thật là buồn cười. Ngươi thân là sứ thần mà không biết thể chế của nước ta, mới vào là mở miệng coi khinh phụ nữ, vậy mà lại nói chúng ta khinh người? – Lâm Tú Viên chất vấn
– Ta đại diện cho hoàng đế Đại Minh, chỉ có vua của các người mới có tư cách nhận chỉ dụ của hoàng đế bệ hạ – Hồ Tôn Hiến cãi cùn
– Ta cũng đại diện cho vua của ta. Nếu hoàng đế Đại minh sang đây thì vua của ta cũng sẽ đích thân đón tiếp
– Ngươi… vô lễ – Hồ Tôn Hiến đứng dậy, vung tay định đập bàn
“ĐOÀNG!!!” Một tiếng nổ vang lên, sứ thần Đại Minh ngã ngồi trên đất, dưới chân một vũng vàng vàng chảy ròng ròng… Lâm Tú Viên bịt mũi, vung vẩy khẩu súng lục Hổ Mây đang bốc khói trong tay, bĩu môi nói
– Đừng quá khích, ta mà sợ hãi thì không biết chuyện gì xảy ra đâu đấy. Buổi họp hôm nay tạm dừng… sứ thần… nên về thay quần đi…
————
Lúc này, ở đảo Okinawa, vua Bunei của Chuzan cùng vua Hananchi của Hokuzan liên minh với nhau, xuất binh đánh Nanzan. Quân của Chuzan do Án ti Sho Shisho chỉ huy, gồm 500 samurai, 10 ngàn túc khinh (ashiragu: bộ binh nhẹ), còn quân của Hokuzan do Án ti Tani chỉ huy, gồm 630 samurai và 12 ngàn túc khinh. Quân của Nanzan lúc này chỉ có chưa đến 10 ngàn người, trong đó samurai chưa đến 200 người, rõ ràng ở vào thế yếu hơn so với 2 đội quân còn lại.
Chiều hôm diễn ra trận chiến khủng khiếp ấy, bầu trời trong xanh không một gợn mây. Tại vịnh Kinbu, 20 chiến thuyền của quân Hokuzan đã đem quân đội của Án ti Tani đổ bộ xuống bãi cát. Lúc này, quân của Nanzan cũng tiến đến từ phía Nam và quân của Chuzan thì tiến đến từ phía Bắc. Tani cùng Sho Shisho hợp quân xong thì liền đem các samurai bố trí sang hai cánh, còn hơn 20 ngàn túc khinh thì chia làm 10 cánh quân. Sho dự định đem 6 cánh quân tập trung tấn công vào trung quân của Nanzan, 4 cánh còn lại tấn công vào 2 cánh phải và trái, còn các samurai thì đợi khi thích hợp thì bắt đầu xông lên.
Bên này, chỉ huy quân Nanzan là Hokushita cũng đem 5000 túc khinh tập trung lại ở trung tâm, đem kỵ binh Nanzan và samurai bố trí sang cánh trái, còn cánh phải do quân Liên Việt nhận thầu. Huỳnh Văn Nam đem 2000 lính thủy đánh bộ chia làm 3 phần, 200 lính bảo vệ pháo binh, 800 lính dàn trận trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ, còn 1000 lính mai phục phía sau ngọn đồi.
Đầu tiên, giống như các trận chiến thời Tam quốc ở Trung nguyên, 1 samurai mặc giáp màu đỏ, đeo mặt nạ mặt quỷ, lưng đeo 1 lá cờ dài có hình 1 con rồng, tay cầm 1 cây giáo chữ T chạy lên quát lớn
– Ta là Ashina, quỷ vương Ashina nhà Tama, có kẻ nào ra đây chịu chết không?
Từ trong trận của quân Nanzan, 1 viên tướng mặc giáp xanh, đội mũ sừng hươu, lưng đeo lá cờ có hình chữ Sơn, tay cầm 1 cây naginata thúc ngựa lao lên quát
– Ta là Yoshi nhà Senko, xin mượn ngươi thủ cấp
Nói rồi Yoshi lao lên vung đao chém Ashina, Ashina ung dung vung giáo đỡ lại, cười lớn
– Đến tốt, đến tốt, ăn ta một giáo
Một giáo đâm ra nhanh như chớp, Yoshi chỉ kịp hụp đầu, lưỡi giáo đã đâm sượt qua má của hắn. Ashina quay cổ tay, thu giáo lại, lưỡi dao bên cạnh thương cắt đứt 1 cái sừng hươu trên đầu Yoshi. Bên trong trận của Hokuzan và Chuzan vang lên những tiếng hô vang cổ vũ.
Yoshi toát mồ hôi lạnh, nhưng tay lại càng nắm chắc thanh trường đao, tung ra một nhát chém ngang. Ashina dùng giáo gạt ra, lại dùng giáo đâm về phía cổ họng của Yoshi. Trong lúc ngàn cân treo sợi tóc, Yoshi ngã khỏi ngựa, lăn mình trên mặt đất. Vừa chạm đất, Yoshi lập tức vứt đi thanh naginata, rút kiếm ra thủ thế. Ashina cũng nhảy xuống ngựa, đem giáo cắm xuống đất, rút gươm ra khỏi vỏ. Yoshi lập tức bật dậy, lao người, gươm hướng về cổ của Ashina mà đâm tới. Ashina khẽ tránh, dùng tay nắm lấy tay cầm chuôi kiếm của Yoshi đẩy mạnh, chuôi kiếm lập tức hướng về mặt của Yoshi mà đập tới. Yoshi ngửa người tránh đòn, chân đá mạnh vào tay của Ashina, lăn mình về phía sau. Trong lần chạm kiếm tiếp theo, vai của hai người chạm vào nhau, Ashina lập tức dùng cùi chỏ giã vào mặt của Yoshi, rồi nắm lấy tay của hắn làm một đòn ném qua vai, sau đó dùng kiếm đâm thẳng vào vị trí mà Yoshi vừa bị ngã, nhưng Yoshi đã lăn mình tránh được. Ashina lao đến dùng kiếm chém tới tấp, Yoshi dùng kiếm đỡ ngang trước ngực, đỡ được đợt tấn công như vũ bão này của Ashina. Lựa một chiêu đâm trượt của Ashina, Yoshi hất ngã đối thủ về phía sau, rồi nhanh chóng bật dậy. Ashina lao vào, dùng kiếm đâm về phía yết hầu của Yoshi, nhưng chàng trai xứ Nanzan khẽ nghiêng đầu tránh được, tung 1 cú lên gối trúng cằm của Ashina. Lựa lúc đối thủ đang choáng váng, Yoshi vung kiếm chém ngang. Ashina cũng vung gươm lao vào.
Một cú va chạm nẩy lửa diễn ra, hai người xoay lưng về phía nhau. Yoshi đột nhiên khựng lại, quỳ gục trên mặt đất, dùng tay ôm lấy ngực. Máu tươi tràn ra qua kẽ tay của hắn, cuối cùng Yoshi ngã gục xuống tắt thở. Ashina vung vẩy thanh katana rồi đút vào vỏ, quay lưng tiến về phía trận của mình. Sho shisho và Tani cũng chớp thời cơ, cho quân ào lên tấn công.
Mấy ngàn túc khinh ào ào lao lên, giơ cao vũ khí gào thét vang trời. Bọn họ có người đội nón sắt rộng vành, có người để đầu trần, vũ khí thì đủ kiểu, có yari, có naginata, thậm chí có cả đinh ba, chày đập…
Ở bên phía Nanzan, các cung thủ bắt đầu kéo căng dây cung, giơ lên chếch một góc 65 độ, rồi buông tay. Một trận mưa tên cắt ngang không gian rồi rơi xuống đầu đám túc khinh Hokuzan và Chuzan, tên xuyên thủng cơ thể của bọn chúng, đâm vào mắt, vào cổ, vào gáy, vào tay chân của đám túc khinh, bắn chúng ngã gục trên mặt đất để rồi chính đồng bọn của chúng vô tình dùng chân đạp chúng thành thịt vụn.
– Hey, các anh em, đại bác điều chỉnh xong chưa? – Huỳnh Văn Nam hỏi
– Báo cáo, xong rồi!!!
– Tốt lắm, chuẩn bị nã đạn. Sẵn sàng! BẮN!!!
Ầm!!! Ầm!!!… tiếng đại pháo nổ vang, ánh lửa loang loáng, tiếng nổ ầm ầm, khói đen mù mịt, trong bán kính hủy diệt của đạn pháo, hoàn toàn không có một tên tinh khúc nào còn nguyên vẹn, bên ngoài bán kính đó cũng bị sức ép thổi ngã dạt tới dạt lui. Lập tức trong đám quân túc khinh của Hokuzan và Chuzan bị đạn pháo nổ ra những vòng chân không, rồi nhanh chóng bị lấp đầy…
Các chiến sỹ thủy quân lục chiến của Liên Việt triển khai đội hình phân tán, kẻ nằm, người đứng, kẻ ngồi, kẻ quỳ, bắt đầu nã đạn về phía quân Hokuzan và Chuzan, lúc này cũng đã dùng cung tên bắn trả. Vài chiến sỹ bị trúng tên, được quân y kéo lùi về phía sau băng bó. Tên bay vùn vụt qua lại, các samurai cùng túc khinh của Nanzan bắt đầu cùng quân Hokuzan và Chuzan giao chiến. Máu bắn tung tóe, tay chân cụt rơi đầy trên mặt đất, tiếng ngựa hí, tiếng súng nổ, tiếng kêu rên vang lên khắp nơi, rộn rã cả góc trời.
Sho Shisho nhanh chóng nhận ra sự bất thường ở cánh phải quân Nanzan, nơi mà liên quân Hokuzan và Chuzan liên tục bị đẩy lùi, thậm chí có đợt còn bị tiêu diệt gần như sạch sành sanh. Nhận ra điều này, Sho Shisho nhanh chóng phái ra 300 kỵ binh samurai do Ashina dẫn đầu, vòng qua tấn công vào cánh phải của quân Nanzan.
Đoàn kỵ binh vòng nửa vòng cung rồi chuyển hướng, lao thẳng về phía trận hình của quân Liên Việt. Đạn pháo ầm ầm trút xuống, nhiều kỵ sỹ bị hất văng khỏi ngựa, có chiến mã vẫn lao đi nhưng người ở trên đã rớt xuống từ lúc nào… Dưới cơn mưa lửa đạn ấy, 300 võ sỹ vẫn anh dũng thúc ngựa lao lên.
– Lắp lê!!!
Một sỹ quan chỉ huy đội thủy quân lục chiến hạ lệnh, các chiến sỹ lập tức lấy lưỡi lê – thứ rất ít được các lính Liên Việt dùng đến – ra khỏi vỏ, lắp vào nóng súng, rồi dàn thành 3 hàng ngang chờ các võ sỹ samurai.
Rầm rập!!! Rầm rập!!! … Tiếng vó ngựa càng lúc càng gần, mặt đất như rung chuyển dưới vó sắt của chiến mã, cùng với đó là nhịp đập trái tim của các chiến sỹ Liên Việt liên tục gia tăng.
– Sẵn sàng!!! Nổ súng!!!
Khẩu lệnh được phát ra, các chiến sỹ bắt đầu hướng về phía các samurai mà nổ súng. Hàng loạt samurai bị đánh rơi khỏi ngựa, nhưng càng nhiều cho dù bị bắn trúng vẫn nắm chặt cương chiến mã, lao thẳng vào đội hình của quân Liên Việt.
Rầm!!!… Keng!!!… Xoẹt!!!… Chiến mã của các samurai húc thẳng vào đội hình quân Liên Việt, húc bay nhiều người, các samurai cũng vung vũ khí chém giết, lợi dụng lực húc của chiến mã cùng độ cao mà chém giết quân Liên Việt như chém chuối.
– Đội hình vuông! Mau xếp thành đội hình vuông! Mau lên! – Một sỹ quan chỉ huy la lên, và đó cũng là những lời cuối cùng của hắn. Ashina ném mạnh thanh kanata xuyên qua ngực người sỹ quan này, kết thúc tính mạng của anh ta.
Nhưng lời nhắc nhở của viên sỹ quan cũng thức tỉnh các chiến sỹ Liên Việt đang hoảng loạn, bọn họ nhanh chóng kết thành đội hình vuông, dùng súng và lưỡi lê chĩa ra bốn phía như những con nhím, xa thì nổ súng, gần thì dùng lưỡi lê đâm, nhanh chóng ngăn cản thế tiến công của các samurai. Từ phía sau, 1000 lính Liên Việt còn lại cũng tràn lên đẩy lùi các samurai nhật khỏi đỉnh đồi. Cuối cùng, Ashina đành dẫn theo 32 samurai còn sống sót chạy lùi về trận của mình. Dưới lửa đạn của quân Liên Việt, các lính túc khinh của Hokuzan và Chuzan cũng theo nhau rút lui. Trận chiến này phe Liên Việt tổn thất gần 400 người, phe Nanzan tổn thất gần 3000 lính, còn phe Hokuzan và Chuzan tổn thất gần 10 ngàn người. Dưới sự oanh tạc của hỏa pháo quân Liên Việt, Sho Shisho và Tani nhanh chóng hạ lệnh cho đại quân lui lại. Trận chiến này được sử gọi là trận chiến vịnh Kinbu, được vô số nhà văn, họa sỹ, nhạc sỹ miêu tả lại trong tác phẩm của mình, nổi tiếng nhất là bức tranh “Kinbu kaisen” của họa sỹ Okimura, vẽ cảnh 400 samurai xung phong trong lửa đạn của quân Liên Việt…