THANH CUNG MƯỜI BA TRIỀU - Chương 40: Giết Cọp Đuợc Vợ
- Trang chủ
- Truyện tranh
- THANH CUNG MƯỜI BA TRIỀU
- Chương 40: Giết Cọp Đuợc Vợ
Đa Nhĩ Cổn thấy Thái Tông hoàng đế ra đi, ý cũng muốn tiễn chân, nhưng chẳng ngờ khi chạy qua dưới rèm bỗng nghe tiếng Văn hậu gọi giật lại:
– Lão cửu về đây mau! Ta có chuyện muốn nói.
Cổn nghe đoạn, vội quay lại, đứng sững trước mặt Văn hậu đợi lênh.
Một lúc lâu mà Văn hậu cũng chẳng hạ lệnh, chẳng bảo đi.
Cổn vội vàng thỉnh an, miệng nói:
– Đa Nhĩ Cổn đợi lệnh hoàng hậu!
Văn hậu mỉm cười khả ái nói:
– Ta có chuyện quan trọng bàn tính.
Đây không phải nơi bàn bạc.
Hãy theo ta vào cung mau!
Nói đoạn bà đứng dậy quay mình đi vào.
Cổn theo sau, khi gần tới tam cung, Cổn thấy bên trong trang hoàng hết sức rực rỡ.
Văn hậu trèo lên ngồi trên giao ỷ cẩn xà cừ và giát ngọc, đưa mắt liếc nhìn bọn cung nữ một lượt.
Bọn này hiểu ý của hậu bèn từ từ rút lui, để mặc hai người, một bà chị dâu với một cậu em chồng, tha hồ mà nhỏ to tâm sự.
Chẳng biết họ đã bàn tính những chuyện gì mà mãi tới tối, đèn đã lên, vẫn chưa thấy họ đi ra.
Cuối cùng, Đa Nhĩ Cổn từ giã ra về, Văn hậu nguýt một cái dài, nhí nhảnh cười bảo:
– Ăn cơm tối rồi hãy về.
Nói đoạn, bà đứng dậy vào phòng trang điểm, thoa lại chút phấn, đánh thêm tí son, thay bộ đồ ngủ.
Cung nhân bày biện cơm tối.
Hậu ngồi giữa, Cổn ngồi cạnh hầu bàn.
Cung nữ chuốc rượu.
Hai người cất chén.
Vừa uống vừa trò chuyện tỏ vẻ hết sức thân mật, bọn cung nữ hầu hạ phía ngoài cùng, chỉ thỉnh thoảng nghe những tiếng cười giòn tan của Văn hậu.
Vài con thị nữ phục thị cũng dần dần lảng ra, thế là cả bọn quây quần đùa giỡn với nhau ở bên ngoài chẳng còn bận tâm gì tới tiệc rượu nữa.
Trong tẩm cung lúc đó ánh đèn đã mờ, những tiếng nói tiếng cười dần dần nhỏ đi.
Mãi tới nửa đêm Đa Nhĩ Cổn mới chịu cáo từ.
Bọn cung nữ cầm đèn lồng tiễn Cổn ra khỏi cung.
Khi từ biệt, Cổn vẫn còn muốn nán lại, để nói cho hết những điều tình tứ.
Nhưng Văn hậu đã lấy tay vỗ vai Cổn, miệng vừa cười, vừa nói:
– Đã quá khuya rồi, về đi thôi! Ngươi thật nhẫn tâm bỏ mặc Tiểu Ngọc Nhi ở nhà một mình.
Ngươi có biết lúc này nàng đang mong chờ ngươi không?
Đa Nhĩ Cổn cũng cười vang lên, rồi mới cất bước ra đi.
Lại nói A Mẫn và Cổ Nhĩ Thái.
Hai người này quả có tâm phản đã lâu, đúng như lời Văn hậu nói.
Mẫn và Thái đều là anh em với Thái Tông hoàng đế, nhưng là anh em cùng cha khác mẹ.
Thái cậy mình là con cả của bà phi Phú sát, Chữ Anh, Đại Thiện đều đã chết cả, vậy thì cái ngôi báu kia phải là chỗ của Thái mới phải.
Không ngờ, lúc Anh Minh hoàng đế băng hà, Thái Tông đã dùng uy lực cướp mất.
Từ khi Thái Tông lên ngôi, Thái phải thay nhà vua, nam chinh bắc phạt, đông tiễu tây bình, chẳng được lúc nào nhàn rảnh nghỉ ngơi.
Do đó, Thái hết sức oán giận.Còn A Mẫn, y cũng cậy mình là con trưởng bà Thư Nhĩ Cáp Tề.
Một khi con trưởng của phụ hoàng mất, tất nhiên ngôi báu phải về tay y, thế mà lại bị Thái Tông cướp đoạt, cho nên Mẫn sinh lòng oán hận.
Tâm sự của hai người thường được bộc lộ vào những lúc vắng vẻ.
Hai anh em bèn liên kết nhau, ngấm ngầm kết giao vây cánh đặt tâm phúc khắp mọi nơi.
Lần trước, khi Thái Tông đi đánh Phủ Thuận, Mẫn và Thái đã dự tính việc cướp ngôi, nhưng Thái Tông về quá lẹ, thành thử trở tay không kịp, đành phải án binh bất động.
Lần này, Thái Tông ngự giá thân chinh thật là một cơ hội ngàn vàng cho họ.
Không ngờ đại sự hỏng hết chỉ vì một đứa con gái! Đứa con gái đó là ai vậy? Xin thưa: cách cách Mãng Cổ Tế.
Cô nàng Cổ Tế bình nhật thường cậy mình có nhan sắc, nên làm đỏm, làm dáng quá sá để câu bọn công tử.
Người được nàng ta khoái nhất chính là cậu trai cả Hào Cách của vua Thái Tông.
Nàng nghĩ thầm rằng, nếu nắm được đuôi anh chàng Hào Cách thì cái ghế hoàng hậu trong tương lai phải vào tay nàng chứ chẳng còn ai đoạt được.
Không ngờ trời chẳng chiều người, chàng Hào Cách về sau lại lấy nàng Bắc Nhĩ Tế Cẩm làm phi tử mất, khiến Mãng Cổ Tế cách tức uất tràn hông.
Từ đó, nàng giận Hào Cách đến xương tuỷ.
Nàng nhập đảng của Mãng Cổ Nhĩ Thái, thường cùng hắn và Đức Cách Loại Toả, Nặc Mộc Đô Lăng với nhiều kẻ khác bí mật chuẩn bị khởi sự.
Nhưng trong số họ chẳng kẻ nào đáng để nàng lọt mắt xanh.
Rồi lẹo tẹo thế nào không rõ, nàng lại ngoắc vào anh chàng Lãnh Tăng Cơ.
Hai người đi lại mật thiết.
Nàng tưởng Cơ là tâm phúc, bèn kể ra hết âm mưu.
Đâu ngờ Cơ là tay chân tin cẩn của Duệ vương.
Thế là Cơ ngầm báo cho chủ hay mọi việc.
Vương lại cho vợ là Tiểu Ngọc Nhi vào cung nói cho chị nàng là Văn hậu nghe.
Đó chính là khi Thái Tông đem binh đi đánh Phủ Thuận.
Khi Thái Tông về, Hậu không có bằng cớ xác thực nên chẳng dám tố cáo.
Lần này Văn hậu mới xin cho một người giám quốc là vì thế.
Có điều người giám quốc đó lại là Đa Nhĩ Cổn, thành thử công tư coi như vẹn cả đôi đường.
Từ đó Cổn lấy danh nghĩa giám quốc, ngày ngày vào cung với văn hậu.
Bà vốn từ lâu thắc thỏm về âm mưu của Mảng Cỗ Nhĩ Thái, nên giục Cổn hạ thủ sớm chừng nào hay chừng ấy Hậu có ngờ đâu chính Cổn lúc đó cũng đã gia nhập đảng nhóm đó.
Cổn lại còn khéo léo thỉnh thoảng thả những lời oán hận đối với hoàng đế ngay trong những cuộc hội mật.
Rồi đến hôm tất cả toan tính khởi sự, Cổn nhận làm nội ứng trong cung.
Cổn đưa kế hoạch, nào là điều động binh mã, nào là chặn đường về của Thái Tông, tất cả mọi việc đều được Cổn thuyết giảng minh bạch cặn kẽ, khiến Mãng Cổ Nhĩ Thái tin là thật, lại càng tin và khâm phục Cổn bội phần.
Qua ngày hôm sau, Cổn bèn mời cả bọn phản loạn tới phủ riêng đánh chén.
Lúc đã quá say, cả bọn bị Cổn quăng một mẻ lưới, chẳng sót tên nào.
Rồi Cổn cho đi lùng khắp các phủ đệ của nhiều bối lặc lục soát các đơn, thư của chúng.
Cổn hạ lệnh giam cả bọn vào ngục rồi báo cáo cho Văn hậu hay mọi việc.
Văn hậu nghe nói cả mừng, đưa bàn tay trắng như ngọc vỗ vào vai Cổn, mà vừa cười vừa nói:
– Cậu em rể khá lắm! Mắt ta nhìn chẳng nhầm người, tiến cử ngươi quả thực đích đáng lắm!
Nói đoạn, bà truyền lệnh triệu Hồng học sĩ và Lãnh Tăng Cơ vào cung để dặn dò việc giam giữ bọn phản loạn sao cho kỹ lưỡng, đợi Thái Tông về định đoạt.
Rồi bà giữ Cổn ở luôn trong cung để đêm ngày ân ái.
Giữa lúc hai người đang triền miên trong cuộc hoan lạc, bỗng nghe tin hoàng đế hồi loan.
Cổn đành phải rời khỏi nội cung, buồn bã ra ngoài, đem theo bọn văn võ đại thần đi tiếp giá.
Thái Tông hoàng đến phen này đại thắng, ưng chịu sự đầu hàng của vua Triều Tiên là Lý Tôn, cho nên mở tiệc khao quân rầm rập suốt ngày.
Đa Nhĩ Cổn thấy vậy nên chưa vội nói chuyện mưu phản của bọn A Mẫn.
Đến mấy hôm sau, Cổn mới tâu trình mọi việc rõ ràng.
Thái Tông hoàng đế giận lắm, lập tức muốn lên điện thẩm vấn can nhân.
Nhưng Hồng học sĩ tâu trình xin giao lại việc đó cho Cửu Thân vương ngài mới thôi.
Mãng Cổ Nhĩ Thái ở trong lao, được tin Thái Tông đắc thắng trở về, sợ quá chết luôn.
Đa Nhĩ Cổn vâng ý chỉ của Thái Tông đem A Mẫn Đức Cảnh Loại Toả, Nặc Mộc Đỗ Lăng và Măng Cổ Tế cách cách, cả bọn ra thẩm vấn.
Cổn vốn đã giả vờ nhập đảng với bọn này, nên có gì mà Cổn chẳng biết.
Cho nên cả bọn không chối cãi được gì, đành phải cung khai đầy đủ.
Cổn lấy xong cung, bèn tâu lên hoàng đế nghị án tử tội, rồi giao cho Hình bộ đại thần thi hành bản án.
Thái Tông hoàng đế nghĩ tới công lớn của Văn hậu, bèn vào cung Vĩnh Phúc.
Vừa vào tới cửa cung ngài thấy hoàng hậu đang đãi rượu một chàng thiếu niên.
Chàng ta thấy ngài vào liền đứng dậy thỉnh an.
Ngài nhìn qua khuôn mặt chàng thì thấy hiền lành, hỏi ra mới biết là cháu gọi bằng cô của Văn hậu, tên gọi Bật Nhĩ Tháp Cát Nhĩ, con trai của Khoa Nhĩ Bí Trác Lễ Khắc Đồ thân vương Ngô Khắc Thiện.
Từ khi Thái Tông hoàng đế thượng tôn hiệu, chàng theo cha vào kinh để chúc mừng.
Bởi vậy Văn hậu mới lưu chàng ở lại.
Chỉ vì nhà vua xuất chinh; quanh năm tại ngoại nên chưa có dịp bệ kiến mà thôi.
Sau khi hoàng hậu kể lể gốc tích, hoàng đế bèn kéo Cát Nhĩ lại gần mình, quả nhiên thấy Cát Nhĩ khôi ngô tuấn tú ít kẻ sánh kịp.
Khi được hỏi bao tuổi, Cát Nhĩ hồi đáp: mười tám.
Khi được hỏi có biết cưỡi ngựa bắn cung không, Cát Nhĩ trả lời biết chút ít.
Văn hậu tiếp lời xin được cho ngựa và cung.
Bà còn cho hoàng đế biết thêm là nhờ y mà công chúa mới thoát hiểm.
Thái Tông lấy làm lạ bèn hỏi thì hoàng hậu kể lại:
– A Đốn vốn thích săn bắn, cho nên ba ngày sau khi ngài xuất chinh, bèn đem theo một bọn cung nữ đi săn ở Đông Sơn.
Bỗng một con thỏ chạy ngang qua.
Công chúa phóng ngựa đuổi theo tuốt vào rừng sâu.
Không ngờ một con cọp vằn xông tới đầu ngựa của công chúa.
Bọn cung nữ đứng tận ven rừng thì vừa xa vừa sợ, chỉ đành kêu cứu chứ chẳng có đứa nào dám xông vào.
Con cọp văng tới, đã cắn được móng ngựa.
Ngựa hí vang một tiếng, dựng đứng lên, khiến công chúa té xuống đất.
Chính giữa lúc mười phần khốn nguy đó, bỗng một chàng niên thiếu từ trong bóng cây chui ra, nhảy phóc lên lưng cọp tay cầm dao ngắn nhằm mắt cọp mà đâm tới.
Con cọp gầm lên một tiếng lớn rồi quật đuôi, hất lưng khiến chàng thiếu niên bật ra khỏi, bị cọp ép nằm dưới bụng.
Công chúa lúc đó rảnh tay, thấy vậy vội giương cung tính bắn cọp nhưng lại sợ trúng chàng thiếu niên.
Không ngờ chàng thiểu niên không chút sợ hãi, giơ cây đoản đao, đâm mạnh vào bụng cọp.
Cọp chỉ kịp rống lên một tiếng thảm thiết rồi ngã vật ra đất.
Chàng thiếu niên giết cọp xong bèn đứng phắt dậy.
Lúc đó công chúa mới biết chàng nào phải ai xa lạ, chính là Cát Nhĩ.
Bà còn nói thêm:
– Con cọp đó chính do Cát Nhĩ cũng đi săn ở Đông Sơn từ hôm trước giết hụt.
Hoàng đế nghe xong, hỏi đầy ẩn ý:
– Con cọp này chắc cũng chỉ như con hươu hồi bọn mình đi săn chứ gì?
Nói đoạn Thái Tông cười lên ha hả.
Câu nói này đã gợi trong lòng hậu những kỷ niệm xa xăm, bất giác má bà đỏ lên, chẳng biết vì xấu hổ hay vì sung sướng.
Bà mỉm cười, đôi mắt mơ màng như đang tìm trong dĩ vãng những phút ái án cuồng nhiệt mà nay không còn có nữa.
Giữa lúc đó, bọn cung nữ tâu có công chúa xin vào.
Văn hậu lên tiếng gọi:
– A Đốn! Mau tới bệ kiến phụ hoàng đi con!
Cố Luân công chúa vâng lời, tiến tới hành lễ, rồi quay đầu lại chợt thấy Cát Nhĩ, bất giác mỉm cười tươi tắn.
Nàng thỏ thẻ gọi hai tiếng:
– Đại ca!
Thái Tông hoàng đế thấy vậy rất vui, cười nói:
– Xứng đôi quá.
Nói đoạn ngài quay đầu lại hỏi Văn hậu:
– A Đốn năm nay bao nhiêu tuổi rồi?
Văn hậu cười đáp:
– Đến cả tuổi con mà bệ hạ cũng quên rồi ư? Nó sanh năm bệ hạ diệt Khoa Nhĩ Bí đó.
Thái Tông hoàng đế vỗ tay nói:
– Ư! Nhớ, nhớ rồi! A Đốn năm nay 17 tuổi rồi!
Văn hậu nói câu đó vốn có dụng ý.
Bởi vì Cố Luân công chúa không phải con gái của Thái Tông mà là con của Đức Nhĩ Cách Lặc.
Văn hậu lấy Thái Tông vào tháng tám năm thứ tư niên hiệu Thiên Mệnh, thế mà qua tháng Giêng năm sau đã sanh ra nàng thì chẳng cần nói ai cũng có thể biết.
Thái Tông hoàng đế thấy Bật Nhĩ Tháp Cát Nhi quả là trang thiếu niên anh tuấn, có ý muốn gả Cố Luân công chúa cho.
Ngài nói rõ ý mình cho Văn hậu nghe, bà lấy làm mừng lắm.
Bà liền cho gọi người anh là Ngô Khắc Thiện tới để lo chuyện cưới gả, mặt khác sai Hào Cách xây cất một phủ phò mã rất lớn ở ngay trong kinh thành.
Bà còn cho người đi lùng những vật trang sức quý báu cho công chúa hôm thành hôn.
Mọi việc lo liệu tốn mất cả năm trời chưa xong.
Hoàng hậu năm đó lại cũng sinh một thái tử.
Chú bé nom thật kháu khỉnh, tiếng la rõ lớn, ai thấy cũng tấm tắc khen ngợi.
Thái Tông vào thăm, tươi cười nói:
– Có mẹ đẹp như thế kia tất phải có con bảnh như thế này chứ!
Văn hậu mỉm cười nói:
– Xin bệ hạ thưởng cho một cái tên.
Thái Tông suy nghĩ một hồi rồi đáp:
– Lấy tên Phúc Lâm vậy.
Thế rồi thái tử đầy tháng.
Trong cung tưng bừng náo nhiệt một phen.
Ngày ăn đầy tháng thật là trọng thể.
Nào lễ nghi nào yến tiệc, tất cả đều được lo toan chu đáo, đến nỗi người ta phải gác lại chuyện gả chồng cho công chúa Cố Luân.
Nhưng Văn hậu thì vẫn nhớ.
Bà giục nhà vua cho người tìm Tát Mãn (một loại thầy pháp ở Mãn Châu), để chọn ngày.
Theo lời Tát Mãn thì phải đợi tới mồng một tháng sáu năm sau mới có ngày tốt được.
Văn hậu nghe xong chả còn cách gì khác, đành phải nhẫn nại đợi chờ.
Trong cung Văn hậu thì thế, bên ngoài Đa Nhĩ Cổn từ lúc Thái Tông trở về, không còn có cơ hội tốt để vào cung nên suốt ngày ở nhà gây sự với vợ.
Đã nhiều lần hai vợ chồng xỉ vả nhau um sùm.
Tiểu Ngọc Nhi đã rõ chuyện tư tình của chồng với chị ruột mình, bởi vậy, nàng nhiều lúc nổi cơn ghen đến không chịu nổi.
Nhưng vì tình chị em ruột thịt không tiện nói ra, thành thử nàng thường mượn chuyện gây gổ với chồng để xả bớt cơn ghen.
Văn hậu một mình trong cung cấm cũng nhớ chú em chổng ghê gớm, nên khi được tin nhà vua sang tháng giêng năm sau lại xuất chinh thì mừng rỡ như bắt được của báu.
Nguyên do cuộc chiến xảy ra như sau: từ khi thất thủ Tùng Sơn, bọn Hồng Thừa Trù đầu hàng, vua Minh sai binh bộ thượng thư là Lăng Tân Giáp qua Thịnh Kinh nghị hoà với Thái Tông.
Thái Tông đưa ra hoà ước sáu điều.
Nhưng vì những điều khoản này quá khắt khe nên Minh triều lờ đi, chẳng nhắc tới nữa.
Mãi cho tới nay đã bảy tám năm, Thái Tông nhẫn nại không được nữa, nên ngài hưng binh, sai A Ba Thái làm tiên phong, đánh thốc vào quan nội, còn mình thì thống lĩnh đại quân theo sau tiếp ứng..