NHÀ CÓ BÀ MẸ CUỒNG ĐAM - Chương 34: Chương 34
Dỗ một người như Tony dễ hơn dỗ mẹ tôi nhiều, hôn vài cái, sờ vài lần là lại toe toét ra cười.
Nói chứ tôi cũng chẳng rõ sao mình lại có thể phát hiện được chiêu trò dỗ người thế nữa.
Dỗ Tony xong, tôi mới nhớ đến Luận đi cả đêm không về.
Gọi điện lúc ban đầu còn có tiếng chuông, đến hiện tại chỉ còn tiếng trả lời khô khan của tổng đài.
Tôi muốn đến nhà Luận tìm cậu giải thích chuyện khi tối, nhưng e ngại ba mẹ Luận hỏi han nhiều chuyện, tôi cũng không biết làm sao mà trả lời.
Vì thế phải để ý cả trên trường lẫn ở nhà, xem xem có gặp được Luận hay không.
Nhưng chờ một ngày, hai ngày, thậm chí cả một tuần trời vẫn không thấy mặt Luận đâu cả.
Thậm chí tôi còn nghe được mẹ tôi nói, lúc tôi đi học thì Luận đã đến nhà tôi thu dọn hết đồ đạc đi rồi.
Hơn thế nữa, Luận không đi học.
Cô giáo cũng không hề hỏi han gì về Luận trước lớp, làm tôi càng hoang mang gấp bội.
Cuối tiết học, tôi vội vã chạy lên bàn giáo viên hỏi nhỏ cô Hoài:
– Cô ơi, cô có biết lý do Luận nghỉ học mấy hôm nay không ạ?
Cô Hoài tay xếp giáo án vào túi, vừa nhẹ nhàng đáp lời:
– Cô nghe anh trai Luận nói là bạn ấy lên thủy đậu nên xin phép nghỉ một tuần rồi! Em bạn thân Luận mà không biết hả?
Cô Hoài thắc mắc hỏi ngược lại.
Tôi chẳng rõ thực hư thế nào, cũng cười cười đáp lại rằng dạo này mình bận ôn đề nhiều quá nên không để ý.
Cô Hoài nghe vậy cũng chẳng hoài nghi gì nhiều, cô dặn tôi nhớ chỉ bảo Luận chú ý học mấy môn xã hội tốt hơn, chứ năm cuối cấp ba rồi mà còn lông bông để điểm thấp như thế này thì đúp học mất.
Tôi nghe xong cũng vâng vâng dạ dạ rồi xin phép về trước.
Thực lòng tôi rất lo cho Luận.
Cậu ấy là con cả, phía dưới có một cô em tám chín tuổi gì đó chứ làm gì có người anh trai nào.
Đã thế còn thay mặt phụ huynh xin phép cho Luận nghỉ nữa chứ.
Tôi càng nghĩ càng sâu, không để ý trước mặt có vật cản.
Cứ thế đâm sầm vào.
Đột nhiên cái “vật cản” trước mặt cất tiếng trêu chọc.
– San làm gì mà như người mất hồn thế kia? Do nhớ chồng San quá hả? Đúng không đúng không?
– Cút!
Tôi cáu bẳn đạp Tony sang một bên, hậm hực lấy xe để về nhà.
Tony tủi hờn đi theo bên cạnh lải nhải đủ điều làm tôi phiền muốn chết.
Nếu giờ có ai thu gom phế liệu ngang qua, chắc tôi đem cậu ta cho không người khác mất thôi.
Buồn bực mấy hôm liền, Tony thấy tôi thế cũng khó chịu theo.
Cậu không nhìn được tôi suốt ngày nghĩ đến thằng con trai khác trong đầu, thế là kéo tôi đi chơi cho khuây khỏa.
Đi ăn đi uống, rồi vào tiệm net chơi game.
Trùng hợp làm sao, cái thằng bạn thân mà cả tuần trời tôi lo lắng cho nó lại đang chôn chân ngồi trong góc khuất nhất của quán game chơi game quên trời quên đất cùng anh chủ nào đó.
Máu nóng dồn thẳng lên não, tôi hùng hổ chạy lại gần Luận, định bụng đập Luận một trận cho bõ tức.
Mỗi tội, cánh tay giơ lên không chưa kịp hạ xuống đã bị bàn tay to lớn của anh chủ nào đó cản lại.
Anh ta nhíu mày nhìn tôi:
– Quán tôi không phải nơi cậu có thể tới kiếm chuyện đánh nhau.
Luận lúc đó cũng ngẩng đầu, nhìn thấy tôi, cậu ấy quay đầu đi chỗ khác ngay tắp lự.
Tôi đã làm gì có lỗi với Luận à? Sao cậu ấy thấy tôi lại tránh mặt muốn đứng dậy rời đi như vậy?
– Sao mấy ngày này mày không đi học?
Tôi giật mạnh tay khỏi anh chủ quán game, nhìn Luận nghiêm giọng hỏi cậu.
Luận chỉ nhìn tôi một lát liền đáp lại:
– Không có tâm trạng!
– Mày không có tâm trạng! Đi học mà còn phải xem tâm trạng mày tốt hay xấu nữa à? Đến một câu mày cũng không nói với tao một tiếng…!
– Nói với mày làm gì? Được gì không?
Luận ngắt ngang lời tôi nói, hỏi lại với giọng điệu không mấy dễ nghe khiến tôi ngơ cả người.
Tôi không hiểu sao Luận lại hỏi tôi bằng cái giọng điệu giống như cả thế giới đều nợ cậu ấy ra để hỏi tôi.
Thấy Luận có ý đứng dậy rời đi, tôi nhanh tay bắt lấy tay Luận kéo lại chất vấn:
– Tao làm gì sai chọc đến mày hả Luận? Sao mày lại dùng cái giọng điệu khó nghe đấy nói chuyện với tao hả? Bạn bè mà thế đấy hả?
Cậu ấy tức giận, hất tay tôi ra.
Gằn từng chữ đáp trả:
– Bạn bè à? Ha, từ trước đến nay, tao chưa từng xem mày là bạn!
Tao chưa từng xem mày là bạn…!
Chưa từng xem tôi là bạn, vậy hơn hai năm qua, tôi và cậu ấy ngày ngày kề bên nhau, trêu đùa, cùng nhau học tập, cùng bao che lỗi cho nhau thì được gọi là gì? Là người dưng kẻ lạ, hay là kẻ lợi dụng lẫn nhau?
Tôi không nhớ rõ chuyện sau đó đã xảy ra những gì, làm sao tôi có thể về được đến nhà.
Tôi chỉ biết rõ một điều, tôi muốn một mình.
Vì thế khi về được đến phòng tôi, tôi đuổi Tony khỏi phòng.
Nhốt bản thân ở đó tự kiểm điểm.
Nói là kiểm điểm, thực chất tôi cũng chẳng biết kiểm điểm về cái gì.
Về những lời Luận nói, hay những chuyện xảy ra gần đây giữa tôi và Luận, chuyện của tôi và Tony, chuyện của mẹ và người đàn ông xa lạ.
Tất cả rối lại như một mớ tơ vò.
Tôi nằm ngửa ra giường, dùng cánh tay che lên mắt.
Thật muốn ngủ một giấc, quên hết muộn phiền!
Chợt có tiếng đập cửa rầm rầm.
– San ơi San! Em chết chưa?
Tôi thật sự không muốn thừa nhận bà mẹ vừa đập cửa vừa la lối bên ngoài kia là mẹ tôi một tý nào luôn.
Thật đấy! Có những lúc buồn thật buồn, muốn tìm một nơi yên lặng không người rồi nhốt bản thân vào đấy.
Nhưng lần nào cứ tâm trạng nửa vời buồn bực chơi vơi, mẹ tôi lại là người phá bĩnh tâm trạng đó của tôi ngay tắp lự.
Tôi mở mạnh cửa, tay mẹ theo đà đập cửa mà đập vào ngực tôi.
– Ấy, mẹ tưởng San chết luôn trong phòng rồi! Mẹ còn định dùng tay đập cửa tới khi nào nó sập thì thôi nữa chớ.
Tôi im lặng nhìn mẹ không đáp, bà chột dạ cười hì hì:
– Ấy, em đừng bày vẻ mặt hình sự ra như thế chứ.
Mẹ chỉ là lo lắng cho em thôi mà.
Lời mẹ nói phía sau nhỏ dần, tôi mặc dù nghe thấy nhưng vẫn tiếp tục làm mặt lạnh dọa bà.
Dù sao thì dọa bà một hai lần, lần sau bà vẫn lại tái phạm như thế thôi chứ chẳng khác gì ban đầu cả.
Giống một đứa bé biết điều đó là sai, bị nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn chứng nào tật ấy.
– Ầy, thật ra là mẹ đào nhiều hố quá rồi, giờ nhỡ sa chân xuống hố hết đường lấp rồi, em đến lấp giúp mẹ được không?
– Không giúp! Mẹ có hứng đào được hố thì tự kiếm cảm hứng lại mà viết.
– Nhưng cảm hứng dắt tay ngôn từ đi hẹn hò tình tứ rồi.
Cơm chó mặn nồng quá mẹ không thèm tìm cảm hứng nữa luôn!
– Chứ sau này lúc con đi học xa mẹ thì mẹ kiếm ai lấp hố cho?
Tự dưng mẹ tôi im lặng đứng đơ người ra đó, bà suy nghĩ một lúc rồi vỗ hai tay vào nhau.
– À, cái đó thì em khỏi lo.
Khi mẹ đào hố, mẹ sẽ gửi luôn cốt truyện mạch lạc qua cho em.
Sau đó khi mẹ không viết được nữa sẽ để em viết!
– Nhỡ con không bên cạnh văn phong khác của mẹ thì sao?
Bình thường tôi viết truyện đoạn kết thay mẹ, toàn dựa vào văn phong của bà để viết.
Có thể sẽ có khác, nhưng viết xong tôi đều đưa bà xem xét rồi chỉnh theo lời văn của bà.
Nên thành ra câu chuyện khi được đăng lên, văn phong không quá khác nhau là bao.
Nhưng nếu sau này tôi đi học xa rồi, ở trong quân đội có giờ giấc nghiêm ngặt, mẹ tôi sẽ làm như thế nào đây?
Càng nghĩ, tôi càng suy tư nhiều.
Nếu như không có tôi chăm sóc, mẹ tôi sẽ như thế nào?
Bà hay thức khuya, ngủ ngày nhiều.
Có đôi khi còn thâu đêm suốt sáng, ăn uống không đúng bữa, ăn đồ ăn không hợp vệ sinh liền dễ bị đau bụng mấy ngày trời.
Một bà mẹ không muốn tự chăm sóc cho bản thân như thế, để bà một mình ở nhà, thật sự tôi chẳng yên tâm một chút nào cả.
Đột nhiên tâm sự đầy mình, tôi nhìn bà mẹ vẫn ríu rít đòi tôi lấp hố viết truyện thay chợt thở dài:
⁃ Thôi được rồi! Để con lấp hố cho mẹ!
Mẹ tôi nghe thấy thế cười toe toét, chạy vội vàng về phòng lôi máy tính của bà chạy qua phòng tôi ngồi luôn.
Bà nói Tony đi mua đồ ăn rồi, bảo tôi cứ nỗ lực viết, bà nỗ lực đào hố.
Chừng nào đói sẽ có người phục vụ cơm nước cho.
Tôi nghe thế cũng chỉ đành bật cười.
Viết truyện thôi mà bà cứ làm như đi đánh trận không bằng ấy..