MIẾU HOANG - Chương 29: Chiếc hộp truyền đời
– – Chú Vọng, là tôi đây…..Cung đây.
Dưới ánh đuốc sáng, ông Vọng nhìn ra đúng là ông Cung, con của cụ Cẩn….Không hiểu sao tối muộn thế này ông Cung lại đến tận nhà, nhưng nhìn mắt của ông Cung đỏ hoe, ông Vọng mở cổng rồi hỏi:
– – Bác Cung, có chuyện gì mà bác đến tìm tôi muộn thế…?
Ông Cung đáp:
– – Ông cụ nhà tôi mất rồi.
Ông Vọng thoáng giật mình, buổi sáng lúc ông và thầy Lương đến nhà, tuy lúc đó cụ Cẩn có yếu thật, nhưng vẫn còn nói chuyện được, sao đến tối đã ra đi nhanh như vậy…? Ông Vọng cúi đầu chia buồn:
– – Cụ đi có đau đớn gì không..? Mà bác vào trong nhà rồi nói chuyện.
Ông Cung xua tay:
– – Ông cụ nhắm mắt xuôi tay không đau đớn gì cả, chỉ có trước lúc chết được độ 1 tiếng, ông bắt người nhà lấy ghế kê ra giữa sân rồi cứ thế ngồi nhìn về phía trước. Lúc đó còn không thấy ông ho hay đau đớn gì cả. Sắc mặt còn thay đổi tốt hơn một chút, sau đó ông cụ dặn dò tôi vài điều, cuối cùng ông đưa cho tôi cái hộp này rồi rơi nước mắt nói lời sau cuối. Nói xong thì cụ mất.
Dứt lời, ông Cung đặt cái hộp gỗ vào tay ông Vọng, ông Vọng còn đang ngơ ngác thì ông Cung nói tiếp:
– – Ông cụ nói, sau khi ông mất thì đưa cái hộp này cho trưởng làng. Chú yên tâm, chưa có ai mở cái hộp này ra đâu, người trong nhà cũng chẳng biết trong hộp này có thứ gì. Nhưng đồ vật mà phải tận đến lúc chết ông cụ mới đưa ra thì chắc chắn nó vô cùng quan trọng. Chú cầm lấy, tôi bây giờ phải quay về nhà lo đám tang cho cụ.
Ông Vọng cầm chiếc hộp trên tay mà ngỡ ngàng, ông hỏi:
– – Trước khi mất, lời cuối cùng mà cụ Cẩn nói là gì vậy bác Cung..?
Ông Cung nghẹn ngào:
– – Ông cụ ôm tôi rồi nói:” Khổ thân các con, ta chết đi cũng hết kiếp người, cũng coi như được giải thoát. Mong các con cùng làng Văn Thái qua được kiếp nạn này” Vừa nói cụ vừa khóc sướt mướt, chưa bao giờ tôi thấy ông cụ khóc nhiều như vậy…Thôi tôi về đây.
Ông Cung rảo bước quay về, đóng cổng cẩn thận, ông Vọng trở lại trong nhà. Lúc này thầy Lương vẫn chưa ngủ, ban nãy nghe ngoài cổng có tiếng người nên thầy đợi xem ai đến, và đến có việc gì.
Đặt cái hộp gỗ mà ông Cung vừa đưa, ông Vọng nói với thầy Lương:
– – Thầy Lương, chiếc….chiếc hộp này…là….là do cụ Cẩn bảo bác Cung mang đến.
Thuật lại toàn bộ câu chuyện, thầy Lương nghe xong cũng đã hiểu được tất cả. Cầm chiếc hộp lên xem xét, nó chỉ là một hộp gỗ bình thường, bên cạnh hộp có giắt một chiếc chìa khóa nhỏ để mở hộp. Thầy Lương nói:
– – Giờ tôi sẽ mở chiếc hộp này ra xem bên trong có gì. Chắc chắn trong hộp phải chứa đựng một bí mật có liên quan đến lịch sử của ngôi làng này. Vậy cho nên các cụ bô lão mới chuyền tay gìn giữ cẩn thận đến như vậy. Giờ tôi và bác trưởng làng sẽ xem xem, trong này là đồ vật gì.
” Cạch “
Khóa hộp gỗ được mở ra, bên trong chiếc hộp chỉ có một quyển trục được cuộn lại gọn gàng, buộc chỉ đỏ và một tấm bản đồ vẽ địa hình của làng vô cùng chi tiết. Ông Vọng cầm lấy quyển trục rồi gỡ nút chỉ đỏ ra. Mở quyển trục, ông Vọng thấy bên trong quyển trục đều được viết bằng chữ nho, ông Vọng không thể đọc được. Còn thầy Lương đang xem tấm bản đồ vẽ địa thế của làng Văn Thái. Thầy Lương chong đèn lại gần hơn để xem thật kỹ, xem đến đâu, thầy Lương rùng mình đến đó, ông nói:
– – Thật tỉ mỉ, chi tiết một cách không thể ngờ được…..Người vẽ ra được tấm bản đồ địa thế của làng này chắc chắn phải là một người cực kỳ tinh thông về địa lý và phải là một nhà phong thủy tài ba. Còn nữa, trong tấm bản đồ này thì vị trí của bãi hoang đúng là trước kia từng có một ngôi biệt phủ, ở đây còn viết rõ đó là ” Cao Gia “.
Đặt quyển trục xuống, ông Vọng khẽ hỏi:
– – Sáng nay thầy nói nếu có tấm bản đồ địa thế của làng thì sẽ biết được long mạch nằm ở đâu….Vậy tấm bản đồ mà thầy đang cầm trên tay có giúp gì được không ạ..?
Thầy Lương chưa trả lời vội, ông muốn xem thật kỹ từng chi tiết được vẽ trong tấm bản đồ, lát sau thầy Lương đáp:
– – Trời đúng là không phụ lòng người, tấm bản đồ này còn vượt quá sự mong đợi của tôi. Bác trưởng làng, thật may mắn là tôi đã xác định được vị trí long mạch nằm ở đâu rồi. Đúng là xa tận chân trời mà gần ngay trước mắt, nhưng có điều tôi vẫn không hiểu, tại sao các cụ trong làng lại giấu kín bí mật này.
Ông Vọng vội vàng hỏi:
– – Vậy long mạch nằm ở đâu thưa thầy…? Làng tôi được cứu rồi phải không thầy..?
Thầy Lương mừng rỡ đáp:
– – Chính là giếng làng, đúng vậy, tìm được long mạch thì sẽ có cách để hóa giải nguồn cơn của việc nước giếng ngầm bị nhiễm độc.
Nhưng bất chợt thầy Lương thở dài vì ông vừa nghĩ đến một chuyện, ông nói tiếp:
– – Nhưng chính vì giếng làng là vị trí của long mạch nên sự việc sẽ rất khó khăn. Bởi hiện tại nước giếng đã bị nhiễm độc, nếu không may bị nước giếng bắn vào người thì sẽ rất nguy hiểm. Muốn tìm hiểu về long mạch chắc chắn phải xuống được đáy giếng. Quả thực, kẻ trấn yểm long mạch của làng này đã suy tính rất kỹ, dựa vào tấm bản đồ cùng với nơi long mạch bị trấn yểm là giếng làng, tôi không thể nghĩ ra được ai khác đủ khả năng làm chuyện này ngoài dòng họ Cao kia. Mà trong quyển trục kia viết gì vậy bác trưởng làng..?
Ông Vọng vội đưa quyển trục cho thầy Lương, ông đáp:
– – Trong này viết toàn chữ nho thì phải, tôi không đọc được.
Cầm quyển trục trên tay, thầy Lương từ từ mở ra, thầy Lương nói:
– – Tôi đọc được, đây là ghi chép lại của các cụ hương thân trong làng. Có thể, sau khi đọc xong quyển trục này, mọi thắc mắc về quá khứ cũng như lịch sử của ngôi làng sẽ được giải đáp.
Chăm chú đọc từng chữ được viết trong quyển trục, bên ngoài trời càng lúc càng chuyển về khuya, gió bắt đầu thổi mạnh hơn. Cánh cửa nhà ông Vọng bị gió đập vào kêu lập cập, gió luồn qua cả những khe cửa tạt vào bên trong khiến ánh lửa trong cây đèn dầu lay qua lay lại như trực muốn tắt. Ông Vọng vẫn ngồi lặng im chờ đợi thầy Lương đang mở dần quyển trục về đoạn cuối cùng. Từ nãy đến giờ, thầy Lương chỉ đọc mà không nói gì cả. Cuối cùng, quyển trục cũng đã được mở hết, trời bên ngoài se se lạnh, nhưng bên trong nhà, trên khuôn mặt của thầy Lương đang khẽ chảy xuống lấm tấm những giọt mồ hôi.
Nuốt nước bọt, thầy Lương cuộn quyển trục lại rồi khẽ đặt quyển trục vào lại trong hộp, thầy Lương nhìn ông Vọng, giọng thầy có phần hơi run, thầy Lương nói:
– – Tôi đã hiểu toàn bộ mọi chuyện, đây đúng là một bí mật kinh thiên, động địa…..Đó chính là lý do vì sao các cụ trong làng không muốn ai biết đến việc Cao Gia từng xuất hiện, thật khủng khiếp….
Ông Vọng chờ đợi từ nãy, bây giờ ông mới dám hỏi:
– – Trong đó viết gì vậy thưa thầy..?
Thầy Lương nhấp một ngụm nước rồi trả lời:
– – Quyển trục này ghi rõ về xuất thân, nguồn gốc của Cao Gia. Dòng họ Cao đã ở đây trước khi làng Văn Thái được lập lên. Họ có một khoảng thời gian cực kỳ hưng thịnh, có thể nói, tại mảnh đất rộng lớn này, Cao Gia được ví như bậc vua chúa về sự giàu có cũng như quyền lực của mình. Tấm bản đồ trong chiếc hộp này được vẽ trước cả khi làng Văn Thái được hình thành, chẳng trách ban nãy tôi phải xem kỹ, liên kết những địa thế quen thuộc mới có thể nhận ra đây là bản đồ địa hình của làng Văn Thái. Người vẽ tấm bản đồ này chính là Cao Côn, cũng là người được nhắc đến trong quyển trục. Theo như ghi chép, tôi nghĩ, Cao Côn chính là người nhận ra được long mạch của làng cực kỳ vượng phát, ông ta đã dùng tài trấn yểm, cũng như những hiểu biết đại tài của mình về phong thủy để giúp cho Cao Gia phát triển mãi về sau. Tấm bản đồ khi ấy đánh dấu vị trí của long mạch nhưng chưa xuất hiện giếng làng, nghĩa là giếng làng phải sau khi Văn Thái làng lập lên mới có. Trong này viết, Cao Gia cậy quyền, cậy thế, tham lam vô độ, hãm hại dân lành, đàn áp chúng sinh. Nhưng chẳng hiểu vì sao, thế lực của Cao Gia luôn được bảo vệ, triều đình không dám làm gì họ Cao cả. Tội ác của Cao Gia cao tựa núi, số người chết vì Cao Gia nhiều không đếm xuể. Không chịu nổi cảnh áp bức của họ Cao, làng Văn Thái đã đi đến quyết định, đó chính là diệt trừ Cao Gia. Các bậc tiền bối, trưởng lão trong làng đã thống nhất đi đến quyết định này. Kết cục, sau cái chết của Cao Côn, những người thuộc họ Cao trong làng này đều bị giết sạch, tất cả, già trẻ, trai gái, những người có liên quan đến Cao Côn…..không trừ một ai. Điều này giải thích vì sao, họ Cao từng rất hưng thịnh nhưng lại đột ngột biến mất. Họ đã bị dân làng Văn Thái giết cả nhà, nói cách khác, việc làm của làng Văn Thái chính là thảm sát, là một vết nhơ không thể rửa sạch cho nên sau khi xóa sổ Cao Gia, toàn bộ người dân trong làng không được hé răng nửa lời nói về bí mật chấn động trời đất này.
Ông Vọng rùng mình, hai bàn tay ông run lên khi thầy Lương dừng lại, ông ấp úng:
– – Không…thể..nào…..Dân làng Văn Thái….xưa nay rất hiền lành….Làm sao họ lại giết cả….người già…và trẻ em…chứ….?
Thầy Lương đáp:
– – Sự đồng lòng ủng hộ người đứng đầu làng trong mỗi quyết định được đưa ra của người dân trong làng thực sự khiến tôi phải nể phục. Nhưng đó cũng là thứ đáng sợ nhất, sự việc của Cao Gia, chắc chắn những người đời trước như ông bà, bố mẹ của bác trưởng làng đều biết, nhưng tất cả bọn họ không một ai nói ra bí mật này. Quá đáng sợ, người xưa có câu ” Phép Vua Còn Thua Lệ Làng “. Việc giết chết cả một dòng họ trong làng mà người đời sau không ai biết thật là một việc kinh khủng, bởi khi dân làng đã đồng lòng, ngay cả Vua cũng còn phải kiêng nể chứ đừng nói đến một Cao Gia.
Đóng chiếc hộp gỗ lại, thầy Lương khẽ thở dài:
– – Ân oán vậy là đã kéo dài gần 100 năm, giờ đây chính là sự trả thù của Cao Gia đối với dân làng Văn Thái…