MIẾU HOANG - Chương 28: Người câm biết nói
Thấy vậy, vợ Mão thở hồng hộc rồi quát:
– – Con kia, mày dọa tao sợ hết cả hồn…..Nhà cửa không ngồi lại đi chui vào trong cái kẹp đó….Mày, mày cố tình phải không..?
Mị nghe được, nhưng nó câm nên đâu có thể trả lời được. Mị bám hai tay vào thành cửa rồi lò dò bước vào trong nhà. Biết có chửi con câm, con mù cũng không giải quyết được gì, hơn nữa vợ Mão bây giờ đang tự tiện xông vào nhà người khác, chửi ầm um lên ai đi qua nghe thấy chỉ tổ thiệt thân. Nãy nhòm vào nhà cô Xoan, không thấy gì cả nên vợ Mão cũng đinh ninh rằng chồng mình không có qua đây. Hậm hực ra về, vừa đi vợ Mão vừa rủa chồng:
– – Đi chết dấm, chết dúi ở đâu mà từ hôm qua đến giờ chưa về….Cái tính ấy á, để bà mà bắt được…..thì….thì bà xẻo.
Vợ Mão bước ra ngoài đường rồi đóng cửa lại, bên trong nhà cô Xoan, ngồi trên chiếc ghế đã mục nát, mọt ăn gỗ kêu ken két, kèn kẹt…..Cái Mị lại tiếp tục dùng bàn tay đen nhẻm, bẩn thỉu ấy bốc cơm, bốc rau cho vào miệng nhai nhồm nhoàm. Đột nhiên nó mở miệng nói:
– – Chết rồi…..Chết rồi….He he he.
Con bé bị câm bẩm sinh từ khi mới đẻ ra giờ lại có thể nói, nhưng chẳng ai biết cả, nó chỉ nói lên một câu như vậy rồi tiếp tục lặng im thò tay vào bát cơm bốc cơm cho vào miệng ăn tiếp, thi thoảng nó lại nhe răng ra nhoẻn miệng cười như thể bên cạnh nó đang có người vậy.
[……..]
Trở về nhà, bà Điều ngồi thụp xuống cái ghế gỗ bóng loáng, cô Út, con gái bà Điều thấy mẹ về thì vội vàng rót nước, đặt lên bàn trước mặt mẹ, cô Út hỏi:
– – U đi đâu về mà mang bực dọc thế..?
Bà Điều bực tức đáp:
– – Cái lão trưởng làng, đúng là ngu dốt….Nói đến như thế rồi mà lão cứ bàn lùi….Tao đang điên hết cả người lên đây.
Chẳng hiểu sao, tuy là con gái bà Điều, nhưng Út lại có tính tình khác hẳn với mẹ, cô dịu dàng, thùy mị và rất thương người, Út nói:
– – U lại nghĩ chuyện xây dựng tượng với lập đàn cúng tế phải không..? Con thấy bác Vọng cũng chỉ là lo nghĩ cho dân làng mà thôi. U đừng nói thế tội bác ấy.
Tu cốc nước ừng ực, bà Điều quát con:
– – Ơ hay, cái con này….Tao vất vả nuôi mày từ lúc thằng cha mày bỏ đi cho đến bây giờ mà mày hễ cứ mở miệng ra là bênh người ngoài. Thế mày nghĩ dễ thường mày có được cuộc sống sung túc như bây giờ đấy hả con. Nhớ lại xem, hồi đó mẹ mày phải phát điên, phát khùng, thậm chí là tự tử không chết nên mới có ngày hôm nay. Đi vào trong nhà, con với cái.
Út vội cúi đầu xin lỗi mẹ, khi cô đang định quay đi thì chẳng hiểu bà Điều nghĩ gì, bà ta gọi Út:
– – Mà này, khoan đã…..Có phải mày với thằng Lực nhà cuối làng có tình ý với nhau phải không..?
Út thật thà nên không dám chối:
– – Dạ….dạ thưa u…Chúng con đúng là..có tình cảm…với nhau ạ.
Nói xong, Út đang chuẩn bị tinh thần để nghe chửi thì bà Điều đột nhiên hạ giọng:
– – Thế hử, vậy chiều nay, con gọi nó đến đây ăn cơm. U là u không có cấm đoán, nhưng làm cái gì nó cũng phải rõ ràng, minh bạch….Chứ chúng mày cứ thậm thụt, lén lút như vậy, người làng người ta chửi vào mặt u chứ chửi ai. Cứ gọi nó đến đây, có gì trình bày, u nói chuyện qua nếu được thì u xem xét.
Nghe vậy, Út mừng quá, cô cảm ơn mẹ rối rít, không để tốn thời gian, Út xin phép mẹ chạy đi mời Lực qua nhà mình ăn cơm chiều luôn. Cô gái ngây thơ không biết được rằng, trong đầu người mẹ nham hiểm của cô đang có dự tính về một chuyện khác. Ngay từ lúc ở nhà ông Vọng, nhìn thấy thầy Lương là bà Điều đã có chút dự cảm về con người này, nhưng qua cách nói chuyện thì bà ta biết ông Vọng không muốn nói. Nhưng khi Sửu và Lực bước vào, Sửu có chào ông Lương là thầy, điều này lập tức khiến cho bà Điều có phần ái ngại. Bà Điều tự đặt ra vài câu hỏi, chuyện nguồn nước giếng bị nhiễm độc, rồi đến chuyện gà, bò nhà Xoan, nhà Mão trúng độc mà chết…..Chắc chắn ông Vọng không thể xác định được chuyện đó một mình, ngay bản thân bà Điều, tuy là thầy cúng nhưng những chuyện đó bà ta chẳng biết gì cả. Kể cả là việc bà Điều nói nằm mơ thấy thần Thành Hoàng báo mộng cũng chỉ là bịa đặt. Vậy mà ông trưởng làng kia lại phát hiện ra thì chắc hẳn phải có ai đó đứng sau giúp đỡ. Là một người tinh ranh, bà Điều đoán giữa ông Vọng và người đàn ông kia còn đang giấu diếm điều gì đó. Gặp Sửu và Lực tại nhà ông Vọng, ít nhiều hai người này cũng có liên quan nên bà Điều muốn khai thác thông tin từ phía Lực.
Không ngoài dự đoán của bà thầy cúng, nghe Út báo tin, Lực mừng đến không còn quan tâm đến chuyện gì luôn. Là thầy cúng nên việc nắm bắt tâm lý của bà Điều là cực kỳ tốt, chỉ qua một vài lời ngon ngọt, sau bữa cơm, bà Điều bắt đầu dò hỏi thông tin về người đàn ông lạ mặt xuất hiện tại nhà trưởng làng.
Bà Điều nói:
– – Trưa nay tình cờ gặp cậu ở nhà ông Vọng, nhìn tướng tá cậu cũng chân thật. Đấy, cứ đàng hoàng gặp mặt như thế này có phải hay hơn không..? Thanh niên các cậu toàn làm những chuyện khiến người lớn phải đau đầu.
Lực bối rối:
– – Dạ, cháu xin lỗi bác…..Tại cháu sợ bác sẽ không đồng ý, cho nên…
Bà Điều mỉm cười:
– – Tôi cũng đâu có khó khăn gì, cậu cũng biết đấy, tôi có mỗi mụn con gái. Nó cũng thiếu thốn tình cảm của bố từ nhỏ, nên tôi sợ đời nó không cẩn thận lại giống như tôi.
Lực xua tay:
– – Dạ không đâu ạ, tuy hoàn cảnh nhà cháu không phải khá giả gì nhưng cháu hứa sẽ không để Út phải khổ..?
Câu chuyện đã mềm môi, bà Điều chuyển hướng:
– – À mà trưa nay cậu với tay Sửu đến nhà ông Vọng cũng để bàn chuyện làng à…? Mà hình như tôi thấy 2 cậu có quen biết với cái ông ngồi trong nhà đó thì phải..?
Lực ấp úng không nói, bà Điều tiếp luôn:
– – Đấy, có cái chuyện cỏn cỏn thế thôi mà cậu còn giấu không nói, thế thì sao tôi dám tin mà giao con gái của mình cho cậu được.
Đến đây thì Lực tuôn ra hết, Lực vội vàng giải thích mọi chuyện, câu chuyện cứ thế diễn ra, vì mối tình của mình và Út, vô hình chung Lực đã quên đi toàn bộ những gì mà thầy Lương dặn dò. Từ việc thầy Lương đến nhà ông Vọng như thế nào, cho đến chuyện mới ngày hôm qua, Lực và Sửu đi cùng thầy Lương, ông Vọng tới Bãi Hoang đào bới ra sao, đào được thứ gì, trong đó có nội dung gì……tất cả, tất cả mọi thứ Lực đều kể sạch bách không thiếu một điều gì.
Bà Điều vừa nghe vừa tròn mắt, nếu không phải có nghi ngờ, cũng như cách mà ông Vọng giải quyết những chuyện xảy ra trong mấy ngày qua một cách cẩn thận thì bà Điều không bao giờ tin vào lời của Lực. Nhưng một người có muốn bịa chuyện cũng không thể bịa ra được những chi tiết hợp lý đến như vậy.
Nghe xong câu chuyện, biết đằng sau vẫn còn nhiều uẩn khúc, nghĩ Lực vẫn còn giá trị lợi dụng, bà Điều đánh trống lảng, tảng lờ như mình không quan tâm đến những gì mà Lực vừa kể, bà ta tập trung vào đòn tâm lý với Lực:
– – Đúng là hoang đường, nhưng mà thôi, tôi cũng không muốn biết sâu việc trưởng làng đang làm là gì. Hôm nay cậu đến đây, cũng ăn cơm cùng gia đình, tôi cũng thấy có thiện cảm với cậu. Cơ mà việc của làng cũng là việc của tôi, nếu có gì mới cậu cứ kể cho tôi biết, để tôi còn biết đường chung tay giúp sức…..Sau có gì cậu cứ đến nhà chơi nhé, chắc mấy chuyện cậu vừa nói là bí mật, nên tôi hứa sẽ không nói cho ai khác biết nữa đâu. Cậu cũng không nói ra là kể cho tôi thì cũng chẳng ai biết. Người thân quen cả, nên có gì cứ đến, đừng ngại.
Một câu nói mang tính chất dụ khị rất tinh quái của bà Điều, khi nói như vậy, bà Điều ngầm nhắc nhở Lực rằng, nếu muốn đến nhà gặp con gái bà thì Lực phải có gì đó để thông tin cho bà Điều. Tình yêu làm mờ mắt, Lực không nghĩ được sâu xa, lại thêm những lời ngon ngọt, đầy hảo ý, Lực sung sướng cảm ơn bà Điều rối rít. Tất nhiên là để lấy lòng bà Điều, chắc chắn Lực phải cố hóng cho được nhiều thông tin từ chỗ thầy Lương cũng như ông Vọng hơn.
Trước khi ra về, bên ngoài trời cũng đã nhá nhem tối, bà Điều để con gái ra tiễn Lực tận cổng để thể hiện thành ý. Hai cô cậu không hề hay biết rằng mình chỉ đang là con cờ trong tay của bà thầy cúng. Đứng trong nhà, bà Điều khẽ nhếch mép cười một cách đắc chí, bà ta lẩm bẩm:
” Thì ra là vậy, chẳng trách hôm ở đây bàn chuyện, tay trưởng làng đã xuôi xuôi, vậy mà hôm sau hắn lại thay đổi quyết định. Hóa ra là có kẻ mách nước, muốn phá chuyện làm ăn của ta hả…? Cứ đợi đấy, để xem tụi bay làm gì tiếp theo. Nhưng xem chừng làng này đang thật sự bất ổn. Mình cũng phải tính đến kế khác thôi, còn ở lại đây không chừng rước họa vào thân. “
[…….]
7h tối, không biết cô Xoan đi đâu từ trưa, nhưng bây giờ cô Xoan mới về nhà. Bên trong nhà tối om, không một chút ánh đèn dầu. Cũng phải thôi, cái Mị bị mù thì làm sao thắp được đèn.
Lảo đảo bước vào bên trong nhà, cô Xoan loạng choạng không nhìn thấy cả con mình đang ngồi thù lù một trước hiên nhà. Dẫm chân vào tay cái Mị xong cô Xoan mới giật mình, nhìn kỹ con gái, cô ta cười cười:
– – Thấy mẹ về mà cứ ngồi đực ra thế à…?
Cả người cô Xoan nồng nặc mùi rượu, bấu chặt hai tay vào cơ thể Mị, những đầu ngón tay của cô Xoan cứ thế cấu vào người nó. Cái Mị vẫn cứ ngồi im như một pho tượng, nó không phản ứng, hoặc có lẽ nó đã quen với chuyện này rồi. Bấu, bẹo con xong, cô Xoan đi vào trong nhà rồi nằm luôn lên giường ngủ.
” Roẹt….Roẹt…Xoẹt “
Trời tối om, trong nhà cô Xoan không chút ánh sáng, nhưng con bé Mị lại vẫn đang tiếp tục ngồi vẽ nguệch ngoạc những nét gì đó trong bóng tối âm u, tĩnh mịch.
Cô Xoan vừa đặt lưng xuống đã ngủ say nên cô không biết được rằng, bên ngoài hiên nhà, con gái của cô đang vừa vẽ vừa cười man dại:
” Hi…hi…hi….He…He…He “
” Mẹ….Mẹ..”