MIẾU HOANG - Chương 25: Ngôi làng điêu tàn
Việc đào bới ở Bãi Hoang phát hiện ra gạch đỏ cùng những tảng đá vân mây vuông vức cho thầy Lương biết rằng, nơi đó chắc chắn phải có công trình gì đó rất lớn. Nếu suy rộng ra một chút, đó có thể là biệt phủ của dòng họ Cao. Nhưng rốt cuộc thì tại sao một thế đất Thanh Long đẹp như vậy, vượng khí như vậy lại biến thành Bãi Hoang. Nền móng vẫn còn, vậy những gì xây dựng trên đó đã biến đi đâu….?
Trong phổ truyền có ghi, Cao Côn có 2 người con trai đó là Cao Lãm và Cao Kiệt. Việc tấm phổ truyền được giấu trong tảng đá vân mây suy ra, có thể khi khởi công xây dựng biệt phủ, dinh thự thì khi đó Cao Côn đã mất. Điều này hợp lý, bởi nếu biệt phủ của họ Cao được xây dựng khi làng Văn Thái được lập lên thì Cao Côn khi đó cũng phải hơn 100 tuổi rồi. Ban đầu thầy Lương nghĩ sẽ dễ dàng tìm được Long Mạch khi nhìn lướt qua tấm phổ truyền. Bởi thông thường, khi tìm được Long Mạch tốt, muốn chiếm long mạch đó làm của riêng, họ sẽ chôn người đứng đầu gia tộc, chi họ vào đúng nơi có long mạch để vượng khí của gia tộc, dòng họ sau này sẽ được đảm bảo. Nhưng trong phổ truyền lại viết, Cao Côn được chôn ở quê nhà là U Châu ( Bắc Kinh bây giờ), thành thử ra việc xác định long mạch vẫn còn khó khăn. Và bởi hai người con của Cao Côn không muốn phổ truyền bị người khác biết nên họ mới giấu vào giữa tảng đá vân mây đặt nền móng trong khi xây dựng. Có nghĩa, khi đó, dòng họ Cao vẫn còn rất vượng phát.
Thầy Lương cau mày suy nghĩ:
” Sau khi Cao Côn chết, rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì…? “
Trời đã chuyển dần về nửa đêm, dầu trong đèn cũng không còn nhiều, cả ngày hôm nay đã quá mệt mỏi, thầy Lương thổi tắt đèn dầu rồi lên giường nằm nghỉ. Biết mọi chuyện không thể lý giải trong một sớm một chiều được, trước mắt cũng đã có manh mối quan trọng về dòng họ Cao. Ngày mai biết đâu khi đến thỉnh chuyện cụ Cẩn, một người năm nay đã 85 tuổi, là bô lão trong làng,, biết đâu thầy Lương sẽ nghe được chuyện gì đó về dòng họ Cao. Dù có tinh thông quảng đại thì thầy Lương vẫn chỉ là một con người đã 50 tuổi, những ngày qua quá chú tâm vào việc tìm hiểu về làng Văn Thái, sức khỏe của ông đã giảm đi trông thấy. Đặt lưng nằm được vài phút, thầy Lương chìm vào giấc ngủ. Đêm nay ông không mơ thấy điềm báo hay câu sấm nào nữa cả. Có lẽ đây là giấc ngủ yên bình nhất của ông sau chuỗi ngày vừa qua.
Nhưng……trong lúc thầy Lương ngủ say thì bên ngoài hiên, con Vàng đang nằm chúi đầu vào hai chân trước bỗng dưng chồm dậy, nó nhảy thẳng ra phía sân giữa rồi sủa lên ba tiếng:
” Gâu….Gâu….Gâu “
Nhưng cũng chỉ như tối qua, con Vàng sủa xong ba tiếng thì lại quay đuôi bước lên hiên nhà nằm phủ phục xuống. Tiếng chó sủa khiến cho ông Vọng mở mắt, nhưng không thấy con Vàng sủa nữa nên ông chỉ lẩm bẩm:
– – Đêm hôm không biết nó sủa cái gì thế.
Bên ngoài đường, đâu đó thi thoảng lại vang lên tiếng cười rất khẽ:
” Hi…hi….hi…”
” Hi….hi…hi “
Tiếng cười đó lướt qua rặng tre, trời đêm thanh vắng, những cây tre bị gió thổi đưa qua đưa lại vang lên những tiếng lạnh người:
” Kẹt….ẹt…..Kít….kít…”
Trên con đường đất ấy vào giờ này chẳng còn ai qua lại, chỉ có hai cái bóng người nhập nhoạng vừa mới đi lướt qua chậm rãi.
” Hi…hi…hi…..”
” He…he…he “
” Chết….đi….lão…thật….đáng….chết…”
” Hi….Hi….Hi..”
[……..]
Sáng hôm sau, thầy Lương và ông Vọng thức dậy vào lúc 6h30 sáng. Thời gian gấp gáp nên cả hai người đang chuẩn bị đến nhà cụ Cẩn để hỏi chuyện luôn. Trước khi ra khỏi nhà, ông Vọng nói với con Vàng:
– – Tao đi, mày ở nhà trông nhà cẩn thận nhé. Đêm qua mày sủa làm tao tỉnh cả giấc ngủ..?
Nghe vậy, thầy Lương hỏi:
– – Đêm qua chó có sủa ư…?
Ông Vọng cười rồi gật đầu:
– – Tầm hơn 12h đêm thì phải, thấy nó sủa mấy tiếng, còn đang thắc mắc đêm hôm làm gì có ai đi đường mà nó sủa gì không biết, nhưng sau đó thì nó ngừng luôn.
Thầy Lương thấy lạ là đêm qua con Vàng sủa mà ông không hề hay biết gì, có lẽ vài ngày qua thức đêm, thức hôm, suy nghĩ nhiều nên ông đã ngủ quá say. Nhưng khác với đêm của hai hôm trước, con Vàng hôm nay cũng không thấy có biểu hiện gì. Nó còn vẫy đuôi mừng hai người khi rời khỏi nhà. Nhà cụ Cẩn cũng không cách nhà lang Phan, người treo cổ chết buổi sáng ngày hôm qua là bao xa. Đi qua nhà lang Phan, người trong nhà khóc đến nức nở, kèn đám ma cũng thổi từ sáng sớm, vợ lang Phan khóc đến tưởng chừng như điên dại, bà con làng xóm cũng đến chia buồn.
Ông Vọng buồn rầu đáp:
– – Lát về qua tôi cũng ghé vào thắp cho lang Phan nén hương. Tuy có cái tính trăng hoa, hay nhòm ngó phụ nữ trong làng, bị vợ dằn mặt không biết bao nhiêu lần nhưng được cái bốc thuốc mát tay. Đau ốm gì đến hắn bốc cho vài thang thuốc uống là khỏi. Sao đang yên đang lành lại treo cổ chết không biết.
Chuyện của gia đình họ nên thầy Lương không muốn tham gia, nhưng quả thực, một người đang khỏe mạnh, thậm chí đêm đó còn mây mưa với vợ chán chê xong mới chịu lăn ra ngủ, tinh thần lẫn sức khỏe tốt như vậy mà bỗng dưng treo cổ chết, cái chết của lang Phan khiến cho ai cũng thắc mắc không hiểu tại sao.
Đi được chục mét nữa thì đến nhà cụ Cẩn, ông Vọng đứng bên ngoài ngõ gọi to:
– – Nhà bác Cung có nhà không đấy…?
Vừa dứt lời thì bên trong nhà, một người đàn ông phải tầm 55 tuổi đi ra đáp lại:
– – Ai như giọng chú Vọng thế nhỉ…?
Ông Vọng cười:
– – Tôi đây, bác cho tôi vào nhà thưa câu chuyện.
Ông Cung mở cửa rồi niềm nở mời cả hai người đi vào bên trong. ông Vọng giới thiệu xong bèn hỏi:
– – Cụ Cẩn có nhà không hả bác Cung..?
Ông Cung đáp:
– – Chú hỏi như đùa, ông cụ nhà tôi không ở nhà thì đi được đâu. Cụ ốm mấy ngày hôm nay rồi, chỉ nằm trên giường, ăn được chút cháo thôi. Việc làng bây giờ cụ không cho ý kiến được nữa đâu.
Ông Cung nói như vậy là bởi vì, trong số các cụ hương thân, phụ lão trong làng thì bố ông là người còn sống duy nhất. Những cụ khác đã lần lượt về trời mấy năm trở lại đây. Trước đó, khi các cụ còn đông đủ, làng muốn làm gì cũng đều phải hỏi qua ý kiến của các cụ. Nhưng vài năm trở lại đây, các cụ tuổi cao sức yếu, dần dần bây giờ chỉ còn lại mỗi mình cụ Cẩn, cũng là cụ ít tuổi nhất trong số các cụ có tuổi đời lâu nhất làng Văn Thái.
Bước vào trong nhà, đang nằm trên giường quay mặt ra phía cửa chính là cụ Cẩn, cụ nằm xõa bộ tóc dài bạc phơ gần chấm cả xuống đất. Cụ vẫn mở mắt, mặc dù sắc mặt có phần nhợt nhạt và hơi thở không được đều cho lắm.
Ông Cung lại gần giường bố rồi chắp tay lễ phép:
– – Ông ơi, có chú Vọng trưởng làng đến thăm ông này. Ông nói chuyện được chứ..?
Cụ Cẩn giơ tay lên trời ra hiệu cho con đỡ mình dậy, dựa vào thành giường, cụ Cẩn thều thào:
– – Anh….Vọng….đấy…à…..Hư….hư….Tôi…nghe thằng….Cung nó….nói…..làng…xảy…ra chuyện…có phỏng…?
Ông Cung kéo ghế cho thầy Lương với trưởng làng ngồi, ngồi xuống, ông Vọng nhìn cụ Cẩn đáp:
– – Thưa cụ phải rồi ạ, làng ta đang gặp chuyện chẳng lành….Không hiểu tại sao nước giếng trong làng bị nhiễm độc hết, trâu bò, gà lợn chết cả. Hôm nay là ngày làng Văn Thái chúng ta tròn 100 năm tuổi mà làng lại xảy ra chuyện. Thân làm trưởng làng, con không còn mặt mũi nào nhìn mọi người nữa.
Cụ Cẩn tiếp:
– – Thế….anh….đến…đây…có…việc….gì…?
Ông Vọng trả lời:
– – Không giấu gì cụ, chúng con đang tìm cách giải quyết việc nguồn nước bị nhiễm độc. Đây là thầy Lương, là một người am hiểu về phong thủy, thầy Lương nói, long mạch làng ta bị động dẫn đến tai ương. Chúng con đang tìm xem long mạch nằm ở đâu để cứu lấy dân làng. Chúng con đã đến Bãi Hoang và đào bới ở đó, và rồi con phát hiện ra nơi đó có gia phả của dòng họ Cao. Hiện giờ, cụ là người lớn tuổi nhất trong làng, chẳng hay thời còn trẻ, cụ có nghe hay biết đến làng ta từng xuất hiện dòng họ Cao……
Ông Vọng chưa nói hết câu thì cụ Cẩn đã trợn mắt, chỉ tay vào mặt ông Vọng, cố lấy hết sức để nói, cụ Cẩn quát:
– – Tại sao…..tại sao anh dám đến đó….đào…bới hả….hả…..Họa….lớn…rồi…..Anh không….coi những….điều cấm….của làng….ra gì hay…sao…..Khụ….khụ…khụ….Cút…đi…..cút…đi mau….
Tất cả mọi người đều sững sờ trước thái độ của cụ Cẩn, ngay khi nhăc đến Bãi Hoang, đến họ Cao thì cụ Cẩn đã lập tức trở nên gay gắt, ông Vọng định giải thích thì thầy Lương ngăn lại, thầy Lương nhìn cụ Cẩn khẽ nói:
– – Quả nhiên tôi đoán không sai, các cụ hương thân phụ lão trong làng dường như đang muốn che giấu sự thật về dòng họ Cao. Nhưng thưa cụ, họa của làng này xảy ra trước khi chúng tôi đến Bãi Hoang đào bới. Có vẻ như các cụ không muốn ai biết về những gì đã từng xuất hiện trên khu đất đó. Chuyện ân oán xa xưa bây giờ không phải lúc để giấu kín, sinh mạng, cũng như sự tồn vong của làng Văn Thái bây giờ chỉ còn biết dựa vào cụ. Chẳng lẽ một người đã 80 tuổi, là người gắn bó với ngôi làng 100 năm tuổi như cụ, cụ muốn nhìn thấy từ nay về sau, mảnh đất này chỉ còn là một mảnh đất chết hay sao…?
Cụ Cẩn nghe xong thì ho ra máu, ông Cung thấy vậy bèn đuổi ông Vọng với thầy Lương về. Ông Cung chửi bới:
– – Hai người muốn bức chết bố tôi đấy à…? Cút khỏi đây ngay, cút ra khỏi nhà tôi.
Không biết thêm được điều gì, ngược lại còn khiến cho cụ Cẩn tức hộc máu, rời khỏi nhà cụ Cẩn, ông Vọng ghé vào thắp hương cho lang Phan. Xong xuôi cả hai đi đến đình làng, hôm qua, bức tượng thờ thần Thành Hoàng đổ sập vỡ thành nhiều mảnh, sự việc khiến cho dân làng sợ hãi nên không ai dám đến dọn dẹp. Một ngôi làng vốn dĩ yên bình cùng những cảnh vật đẹp đẽ với cây đa, giếng nước, sân đình, đồng ruộng thì nay điêu tàn, ruộng đồng xác xơ, sân đình quạnh vắng, tượng thờ đổ nát, giếng nước nhiễm độc……..Nhìn cảnh tượng đó mà ông Vọng trực rơi nước mắt, ông nói:
– – Rồi làng này sẽ đi về đâu….?