KHÔNG HẸN ƯỚC - Chương 41: Nhà có bé út cưng
Tối đó sau khi bần thần hết cả đêm, sáng sớm Kha dậy sớm hơn mọi ngày, nàng chải lại tóc tai của mình, xem vết thương trên trán thế nào rồi tắm rửa thay đồ đi công chuyện, lúc nàng đi, em ấy vẫn còn ngủ trên giường. Kha không gọi nhân viên của mình chở đi mà tự bắt taxi đi, lúc lên xe, Kha nhắm mắt dưỡng thần suốt một đoạn đường dài, tài xế thấy vậy cũng không bắt chuyện với nàng nữa.
Tài xế taxi chở Kha đến một căn hộ bề thế ở quận mười, mặc dù nhà nấp trong hẻm nhưng xe hơi vẫn ra vào rất thoải mái, cổng sơn son thiếp vàng, có thể nhìn qua khe hở của cửa chính là một mảnh màu xanh mướt mắt, cây cối trong nhà có vẻ um tùm tươm tất.
Kha đứng trước cửa chưa tới một phút đã có dì giúp việc trong nhà chạy ra, hồ hởi bảo: “Trời ơi bé Kha về, sao bé không nói để dì biết đường dì nấu đồ cho về ăn.”
“Dạ con không đói dì Lài ơi.”
Kha mỉm cười cùng dì Lài đi vào bên trong nhà, nàng biết dì ấy nhất định sẽ thấy được vết thương trên trán mình, nhưng nàng biết dì ấy sẽ ngại mà không hỏi, chung quy dì ấy cũng sợ hỏi đến những chuyện nhạy cảm, những chuyện mà nàng không thể nào nói được.
Lúc Kha vào bên trong phòng khách, mẹ nàng đang lột miếng quýt dang dở, thấy nàng về bà còn cười, nhưng khi nhìn lên trán nàng, trái quýt trong tay bà hơi run run, bà lật đật hỏi, “Trời đất! Cái trán con đụng vào đâu vậy Kha?”
Kha liếc mắt nhìn ánh mắt nghiêm nghị của cha mình, ngồi xuống ghế bên cạnh ông, khẽ khàng dựa đầu mình vào cánh tay ông làm nũng. Mẹ nàng thấy vậy bèn ném trái quýt xuống dĩa, cũng nhanh nhẩu ngồi cạnh nàng, ba người cùng nhau chen chúc trên ghế gỗ. Bà sờ sờ vết thương trên trán nàng, ứa nước mắt, “Mẹ hỏi tại sao bị trầy, trời đất ơi…”
Nhà của bà phàm là cả trai cả gái đều có gương mặt rất đỗi bình thường, kiểu như đi ngoài đường có thể bắt được cả thúng người giống vậy. Nhưng ngày mà bà có bầu bé Kha, út cưng của bà, mấy bà bạn có rủ bà đi xem bói ở chùa Thiên Ân, thầy bói bảo bà rằng con gái của bà có căn tu, kiếp trước đã từng tu tập nhưng chưa thể nào làm tiên được, bà còn cười trong bụng, mắng ông thầy bói không biết bà không theo đạo Phật mà là đạo Công giáo theo chồng.
Ngày bà sinh bé Kha, cả dòng họ cũng không nghĩ gì nhiều, chủ yếu là nhà bà muốn có thêm con gái thì đẻ nên họ mừng. Nhưng bé Kha nhà bà càng lớn gương mặt càng thanh thoát, mắt mũi miệng mỗi thứ một nét riêng biệt, dáng người không hề thô mà thanh thanh nhỏ nhỏ, mỗi khi dắt Kha đi đâu người khác cũng trầm trồ khen ngợi. Đó là lý do vì sao chồng bà rất thích con gái của mình, đi đâu cũng dắt theo, xem như bảo vật.
Chỉ tới khi nó đòi cưới thằng Trường, ông cũng không đoái hoài gì đến nó nhiều, những cuộc gặp mặt cũng không cần dắt theo nữa.
Nhưng đứa con hai vợ chồng tự hào nhất lại bị ai đó làm cho trầy cả trán, bà lo lắng đến sốt ruột, bà cũng biết chồng bà trong lòng bây giờ cũng không dễ chịu gì.
“Phải thằng Trường làm không con?”
Bà ướm hỏi, nhưng nhìn đôi mắt lóng lánh nước của con mình, bà dám khẳng định chính xác như vậy.
Thằng Trường cả gan đánh con gái của bà, đúng là chán sống, bà chửi một tràng, tức tối, càng sờ vết thương của con gái mình càng chửi thâm hậu hơn, “Cái thằng chó này, nó mà sang đây mẹ đánh nó chết, cho nó quỳ bảy mươi chín ngày mẹ cũng không tha cho nó, cái thứ không biết điều!”
Dịp trước thằng Trường còn ra vẻ, hai đứa giận hờn vu vơ gì đó thằng Trường đến trước cửa nhà bà quỳ cả ngày trời, nói là phải đón vợ về cho bằng được. Lần này nó đánh con bà, cho nó quỳ đủ trăm ngày bà cũng không mở cửa cho nó vào, thứ đàn ông tồi tệ như vậy đáng lẽ ra ngay từ đầu bà nên phản đối kịch liệt mới phải, càng nghĩ bà càng thương con gái mình.
Mặc dù ông Khang không nói gì nhưng Kha biết ba mình đang rất giận, nàng ôm cánh tay của ba mình, nhỏ giọng nói, “Hôm nay bé Phát nó tung hê mọi chuyện lên, con quyết ly hôn rồi ba.”
“Ừm, mừng cho con.”
Ông cũng không cứng lòng được với Kha, nhất là khi nhìn vào đôi mắt long lanh của con mình, ông bảo vệ chiều chuộng Kha cả đời, cũng không muốn bất cứ ai đem công chúa của ông ra mà đánh đấm cả. Con bé là công chúa của ông, là tất cả dịu dàng mà ông có trong cuộc đời này.
Ba người đang nói chuyện rôm rả thì anh hai của Kha về tới, thấy em mình đang ngồi trong nhà, điều đầu tiên Khải làm đó là chửi cho một trận.
“Anh nói mà em đâu có nghe, sao? Tối qua bị đánh nát nước đúng không?”
Kha khịt mũi xem thường: “Kệ tui cha nội.”
Chưa nói xong Kha đã thấy anh ba cũng đang cất giày lên kệ, anh ba không nói không rằng mà chỉ cất giày dép cho gọn gàng, trên người vẫn còn mặc bộ đồng phục của phòng khám. Anh hai thấy nàng nhìn nên mới bảo, “Khôi, em lại em khám cho con Kha đi, xem xem có hỏng ở đâu không.”
“Em!” Kha mấp máy miệng định nói nhưng nhìn thấy anh tư của mình cũng về, Kha ngạc nhiên đến độ hết biết nói gì.
Chẳng lẽ mọi người đọc tin xong rồi rủ nhau xin nghỉ sao? Rõ ràng là tin tức vừa đăng lên được tầm một tiếng.
“Em muốn thì để anh đánh cho thằng Trường một trận.” Anh tư hùng hùng hổ hổ, giày dép còn chưa cất hẳn mà đã đi vào trong nhà, mẹ nàng có thấy nhưng cũng không la, nhắm mắt nhắm mũi mà bỏ qua cho xong.
“Để anh xem xem có trầy nặng không?”
Lúc này anh ba của Kha mới lên tiếng, mẹ nàng thấy vậy bèn đứng lên nhường chỗ, mà Kha cũng không rảnh đốp chát lại anh ba của mình nên ngoan ngoãn đưa đầu ra cho anh ba xem.
“Nhưng mà anh ba có biết khám cho người không?”
Nghề của anh ấy là bác sĩ thú y, nàng không biết có biết khám cho người hay không. Bàn tay của Khôi nhẹ nhàng tháo đi lớp băng bó tối qua Quỳnh băng bó cho Kha, xem xét thì thấy vết thương cũng khá nặng, trong lòng anh hơi tức giận, bôi thuốc vào cho Kha rồi mới dán lại.
“Mày rảnh thì đập cho thằng Trường một trận đi.”
Anh hai bảo anh tư, anh tư hừ một tiếng: “Dễ gì Kha nó cho đánh, nó là diễn viên mà, đánh một cái mà lỡ xui bị lật ngược lại là ăn cám.”
Ông Khang lúc này mới đằng hắng giọng, hiếm khi nào con cái đông đủ, mà ông cũng chẳng mong dạng “đông đủ” vì lý do như thế này.
“Được rồi, chuyện của bé Kha để bé Kha giải quyết, đừng đứa nào động vào kẻo hỏng chuyện.”
Chẳng qua là do con gái của ông từ nhỏ đã ham mê nghệ thuật, ông không muốn vì sự nôn nóng của người nhà mà khiến Kha xôi hỏng bỏng không. Con cái nhà ông không được ông định hướng cụ thể, mỗi đứa một tính cách một nghề, chẳng bao giờ ông áp đặt chúng thứ mà ông muốn. Chẳng hạn như thằng con trai cả của ông, mồm mép tép nhảy, hiện tại đang làm chủ một xưởng ve chai nho nhỏ, thu nhập khá, thằng con trai thứ, tính tình trầm ổn dịu dàng, hiện tại đang chăm mèo chăm chó cho người ta, đôi khi còn chích bò chích heo, thằng con trai thứ ba thì làm bán hàng nhập khẩu, đôi khi còn kiêm luôn cả chức vụ giang hồ online.
Chỉ có con gái của ông là đứa con gái vàng ngọc, được mọi người yêu mến. Càng nghĩ đến một bầy con trai của mình ông càng thấy Kha của ông là tốt nhất, đúng là con gái rượu nhà ông.
Bình rượu hôm nay bị người ta đập cho mẻ, hôm nào lặng chuyện rồi ông cũng kiếm người đập cho thằng kia què giò.