Ế QUÁ RỒI, MAU LẤY CHỒNG THÔI! - Chương 40
Ngay cả khi đã ngủ thiếp đi, nước mắt của cô ta vẫn chảy.
Những giọt nước mắt ấy như những mũi kim nhọn liên tiếp trích vào người anh, khiến toàn thân anh tê buốt.
Anh lơ đãng nhìn xuống dưới vườn chanh sai trĩu trịt.
Mưa phùn dịu dàng ghé ngang qua những trái chanh chín mọng, vô tình để lại những giọt nước long lanh tựa sương sớm trên lớp vỏ vàng óng ả.
Phía xa xa, hoa ban phủ trắng tinh khôi khắp núi rừng, rộn rã đón chào một mùa xuân mới.
Ở trong các khu vườn nhỏ, đào cũng đã khoe sắc hồng thắm.
Cảnh xuân tươi mát mỹ miều bao nhiêu thì lòng anh nẫu nề bấy nhiêu.
Đứa con bé bỏng đáng thương của anh còn chưa kịp chào đời đã bị người đàn bà này hại.
Lẽ ra, anh nên trả thù cô ta chứ không phải là để cô ta nằm trong lòng anh như thế này.
Lẽ ra, anh không nên lo lắng cho cô ta.
Một năm gần đây, anh nhận thấy mình rất hay nổi nóng.
Những lúc bình tĩnh, anh đã tự khiển trách bản thân, tự hứa với mình lần sau sẽ cố gắng kiềm chế cơn giận.
Nhưng rồi, đâu lại vào đấy.
Anh rồi vẫn cứ không kiểm soát được cảm xúc của mình.
Anh trở thành một con người mà chính anh cũng cảm thấy xa lạ.
Nhờ vào sự chăm sóc tận tình của Khánh, anh đã tìm lại được gần hết những mảnh ký ức đã mất.
Giữa anh và Khánh là cả thanh xuân, vậy mà khi nghĩ về cô ấy, anh chỉ thấy có lỗi và thấy thương hại thôi chứ không có chút rung động nào cả.
Anh tưởng ngoài bệnh đãng trí, anh còn bị bệnh vô cảm.
Chỉ đến hôm nay, ôm người đàn bà này trong vòng tay, anh mới chợt nhận ra anh không hề trơ lì như mình tưởng.
Anh cảm thấy xao xuyến như thể vừa được gặp lại người tình lâu năm.
Ánh mắt anh nhìn ngắm cô ta, si mê không rời.
Ngón trỏ của anh khẽ miên man quanh chiếc cổ trắng ngần.
Anh vô thức cúi đầu xuống, khi cánh môi của hai người chỉ cách nhau vài phân, tim anh đập loạn.
Hơi thở của anh dồn dập phả vào má ai kia, vô tình đánh thức cô ta.
Sau một giây bàng hoàng, cô ta rất nhanh đã lấy lại phong độ.
Cô ta nhoài người bật dậy, đanh đá hỏi:
– Mày khùng hả Kiệt?
Anh Kiệt tự thấy mình khùng thật, một người không thể kiểm soát được hành động và cảm xúc của mình, nếu không khùng thì là gì nữa? Nhưng vì sĩ diện nên anh cố tình bảo:
– Tôi đã nói là tôi chưa bao giờ bị khùng rồi mà.
– Vậy vừa nãy mày làm cái trò mèo gì thế?
– Tôi tưởng cô thích thế?
– Tao thích thế hồi nào?
– Không thích sao lúc tôi bế nằm im như cún vậy?
– Đó là do tao mệt, đầu óc không bình thường.
Chị Khuê lý luận.
Nghe tin hôm nay đôi cẩu nam cẩu nữ về làng nên đêm qua chị ức không ngủ được.
May mà ban nãy nằm trong lòng thằng Kiệt chợp mắt được một tí, không thì chắc bây giờ chị kiệt sức luôn rồi.
Rõ ràng, chị căm hận nó, thế mà lúc yếu mềm vẫn cứ theo thói quen dựa dẫm vào nó, để bây giờ nó có cớ xỉa xói chị:
– Ra vậy.
Vậy thì ban nãy tôi cũng mệt như cô thôi, lúc đó, đầu óc tôi cũng không bình thường nên hành động điên rồ.
Câu trả lời đã vừa lòng cô chưa?
– Chưa.
Tao vẫn bị thiệt hơn mày á.
– Sao mà thiệt hơn? Thiệt hơn chỗ nào?
– Thiệt hơn ở chỗ mày đã kiếm được mối ngon rồi, còn tao vẫn chưa chấm được anh nào cả.
Ban ngày ban mặt, mày hành xử không phải phép như thế nhỡ có ai đi qua, trông thấy cảnh đấy người ta lại hiểu nhầm tao thì sao?
– Ai đi qua? Chỉ tôi và cô có chìa khoá của vườn chanh, ai đi qua cho được?
Anh Kiệt cáu kỉnh hỏi.
Chị Khuê giải thích:
– Không phải chỉ tao và mày mới có chìa khoá, thằng Vinh cũng có chìa khoá.
– Thằng Vinh là thằng nào? Vườn chanh tôi tặng cô để cô đánh thêm chìa khoá cho thằng nào?
Anh Kiệt đâu có hỏi chị Khuê không đâu, anh còn điên tiết đấm tay rất mạnh vào chiếc bàn gỗ khiến chị Khuê giật bắn người.
Chị hổ báo cáo chồn thế mà vẫn bị khí thế của anh doạ cho xanh mặt.
Chị lí nhí nói:
– Thằng Vinh… là thằng… thằng… mua chanh sỉ.
Nó mua chanh của tao… để… để đem lên thành phố bán cho các chợ… nên tao… tao… đánh thêm một chiếc chìa khoá mới cho nó… cho tiện.
– Tiện? Thế nào là tiện? Là hái chanh xong mệt quá, tiện thể dắt nhau lên chòi ngắm sao làm chén trà hả?
– Không, bọn tao chưa bao giờ dắt nhau lên chòi ngắm sao uống trà cả.
Thằng Vinh nó trẻ chứ đâu có già như tụi mình, nó không thích uống trà đâu.
Hôm nào tao bận bán rau ở dưới thị trấn thì tao mua cho nó lon bia để ở dưới gốc chanh, còn hôm nào tao rảnh thì hai đứa tao chỉ trải chiếu ngồi dưới vườn nhậu với nhau thôi à.
– Chỉ thế thôi à? Chỉ thế thôi? Bán có vài quả chanh mà chiều khánh gớm nhỉ?
– Ơ? Vài quả chanh là vài quả chanh thế nào? Người ta là khách sộp, một lần tới là mua cả tạ chanh mà.
Mình là người bán hàng thì mình phải xởi lởi chứ lị, châm ngôn của tao là khách thích thì nhích thôi.
– Cô ăn nói thế mà nghe được à? Vậy nếu thằng Vinh thích cởi váy cô, cô có nhích không?
– Mày hỏi câu tầm bậy hết sức! Thằng đó kém tao cả chục tuổi, nó thích thì nó yêu gái trẻ chứ sấn vào bà già như tao làm gì?
– Cô tự biết cái độ già của mình như thế là tốt đấy.
Đừng có ham trai trẻ, bọn trẻ ranh nó chỉ chơi bời thôi à, rồi đến lúc nó đá cho thì lại cay.
– Tao biết rồi.
Mày khỏi dặn thừa.
Tao về ăn Tết đây.
Chào.
Không hẹn gặp lại!
Chị Khuê thơ thẩn đi bộ về nhà.
Anh Kiệt cứ lẽo đẽo đi đằng sau chị khiến chị rất bực mình.
Chị hỏi:
– Ai mượn mày bám đuôi tao?
– Ai mượn con đường này cũng dẫn về nhà tôi?
Anh Kiệt hỏi lại khiến chị Khuê bị quê quá chừng.
Chị chữa ngượng bằng cách vặn vẹo anh:
– Sao mày đi chậm thế? Mày có người đàn bà học thức cao đang đợi ở nhà thì mày phải đi nhanh hơn chứ?
– Sao có người đợi lại phải đi nhanh hơn?
– Ơ kìa? Cái thằng này hỏi câu ngu quá thể! Có người đợi thì lòng mình háo hức, tim mình rộn ràng, mình mong về với người ta chứ còn gì nữa?
Anh Kiệt thừ người.
Chị Khuê phân tích cũng chí lí đấy chứ.
Chỉ là, anh không hề háo hức muốn về nhà.
Ngược lại, khi về tới nhà, anh còn thấy hơi hụt hẫng nữa.
Khánh thấy anh Kiệt quyến luyến nhìn theo bóng lưng của chị Khuê thì thoáng buồn.
Có một vài hành động vốn dĩ đã trở thành bản năng, ăn sâu vào máu thịt của anh rồi, vĩnh viễn không thể mất đi được.
Cùng dùng một loại thuốc như nhau để tiêm cho người mình thương mà bọn bạn Khánh đã cướp chồng của người ta suôn sẻ hết rồi.
Chả bù cho Khánh, cô mới chỉ thành công trong việc khiến anh Kiệt thương xót cô, tận tình chăm sóc cô để bù đắp thôi, chứ tình cảm của hai người chưa tiến xa lắm.
Ở chung với nhau cả một năm nhưng ngoài những lúc gặp ác mộng ra thì anh chưa từng chủ động sang phòng Khánh.
Những lúc đó, anh thường rất bất an, anh lo lắng cho người vợ trong mộng.
Anh tưởng người đó là kiếp trước của Khánh nên cô mới được ké tí yêu thương.
Người phụ nữ đó là ai? Có phải anh Kiệt bị tiêm thuốc và nghe chuyện bịa nhiều quá nên anh ảo tưởng ra cô ấy hay cô ấy thực sự là kiếp trước của ai đó? Đến thời điểm hiện tại, Khánh vẫn chưa có đáp án.
Tuy nhiên, trong bộ tiểu thuyết của mình, Khánh đã viết lại tất cả các giấc mơ của anh Kiệt và tiết lộ với độc giả đó là kiếp trước của Khánh An.
Cho dù chương truyện viết về kiếp trước hay kiếp này thì độc giả cũng đều xót xa cho số phận bi thảm của nữ chính.
Đọc những bình luận yêu thương mọi người gửi tới Khánh An mà Khánh lại lầm tưởng rằng mình được yêu thương rất nhiều.
Cô dần dần tin rằng người vợ trong giấc mộng của anh Kiệt chính là mình ở kiếp trước.
Cô rất thích cuộc sống của mình sẽ diễn ra y hệt như trong truyện.
Tối mồng một, Khánh đăng chương mới kể về việc Khánh An về thăm ông bà nội, bị ông bà đuổi nên cô đã quỳ trước cổng nhiều tiếng đồng hồ, bị nước mưa ngấm vào người dẫn tới cảm lạnh.
Sáng mồng hai, Khánh đem túi quà Tết to bự về biếu ông bà.
Đúng như cô dự đoán, ông bà khoá cổng không cho cô vào nhà.
Khánh đau lòng quỳ trước cổng.
Tiếc rằng, trời nắng đẹp chứ không có mưa, giá kể có tí mưa là bi thương giống y hệt như trong tiểu thuyết rồi.
Cơ mà cũng chẳng sao cả, nom cô quỳ như vậy, anh Kiệt xót lắm.
Anh bảo cô:
– Đứng lên đi về thôi em, mấy hôm nữa ông bà nguôi giận thì mình qua thăm sau.
– Mấy hôm nữa cụ thể là mấy hôm hả anh? Em không hiểu chị Khuê bơm đểu gì với ông bà mà anh chị bỏ nhau từ năm ngoái nhưng tới năm nay ông bà vẫn cạch mặt em.
Em cũng không hiểu mình đã làm sai điều gì nữa? Em đau lắm anh à.
Hôm nay, em sẽ quỳ tới khi nào ông bà thấy được thành ý của em, không hiểu nhầm em nữa thì thôi.
Mấy bà hàng xóm nghe lỏm được Khánh nói vậy thì bắt đầu xì xào bán tán.
Họ mắng Khuê đểu cáng, mắng ông Khá bà Ổn đứa học thức cao nói thì không tin lại đi tin lời cái đứa chẳng có bằng đại học để rồi đối xử phũ phàng với Khánh.
Tóm lại, ông bà vừa ngu vừa ác.
Chị Khuê nghe người ta mắng ông bà mình thì rất bực.
Chị chửi mấy bà nhiều chuyện.
Họ lảng đi chỗ khác.
Ngặt nỗi, sau lưng gia đình chị, họ có bàn tán tiếp hay không thì chị chẳng thể kiểm soát được.
Họ hàng bên đằng nhà nội ngồi trong phòng khách cũng bắt đầu nhận xét ông bà khó tính này nọ rồi.
Dẫu chị và Khánh có mâu thuẫn thì nó vẫn là cháu gái của ông bà, chị không muốn vì thương chị mà ông bà bị mang tiếng ác.
Chị thở dài bảo ông nội:
– Anh Khá cho em mượn cái chìa khoá cổng tí!
Ông Khá lừ mắt hỏi chị Khuê:
– Tôi anh em gì với nhà chị?
– Gọi anh cho nó trẻ, sướng quá còn gì? Đưa chìa khoá cổng cho em, mau lên!
– Không đưa.
Uống thuốc chưa?
Chị Khuê phì cười.
Ông chị già rồi, hay quên cái nọ cái kia nhưng từ khi chị xuất viện, việc uống thuốc của chị, ông chưa bao giờ quên.
Ngày nào ông cũng nhắc mấy lần luôn à.
Chị lễ phép đáp lời ông nội:
– Dạ thưa anh, ban sáng, em uống thuốc rồi ạ.
– Thế đã uống thuốc buổi trưa chưa?
– Ơ hay? Cái anh này hỏi kỳ nhể? Đã ăn trưa đâu mà uống thuốc? Phải uống thuốc sau bữa ăn á.
– Thế mau đi ăn đi, đừng lo chuyện bao đồng.
Ông Khá nhắc nhở cháu gái.
Ngặt nỗi, Khuê bướng bỉnh chẳng chịu nghe lời ông.
Nhân lúc ông không để ý, nó nhanh tay chôm luôn chùm chìa khoá trong túi áo của ông rồi chạy ra ngoài sân mở cửa cho Khánh và Kiệt vào nhà.
Khuê chỉ được cái to mồm thôi chứ còn khờ dại lắm, tính nó đúng kiểu gái quê thật thà, chất phác, hay thương người.
Chả bù cho Khánh, cũng sinh ra ở quê mà chảnh.
Bà Ổn lau nhà sạch sẽ từ tối hôm qua, bà xếp mấy chục đôi dép tổ ong màu hồng ngay ngắn ngoài hiên cho khách đi vào trong nhà, thế mà Khánh chê không thèm xỏ.
Nó lễ phép bảo ông:
– Con nghĩ ông bà nên bỏ thói quen đi dép tổ ong màu hồng vào dịp năm mới đi cho nó đỡ phèn, ông ạ.
Con đã mua bốn đôi dép hàng hiệu để đi trong nhà.
Con mời ông bà ra ngoài hiên thử dép cùng con và anh Kiệt ạ.
Họ hàng nhà ông Khá tấm tắc khen Khánh có hiếu.
Cơ mà, ông chả thấy thế.
Ông chỉ thấy ở đây có một sự màu mè không hề nhẹ thôi.
Ông bĩu môi bảo:
– Gớm ạ! Tôi người nhà quê, tôi phèn nó quen rồi.
Có mỗi bốn đôi dép thôi mà, thử thiếc làm gì cho phức tạp? Hai anh chị mỗi người xỏ vào chân một đôi, xỏ vào tay một đôi rồi che lên má.
Ai kêu da mặt dày quá làm chi?
Khánh buồn rớt nước mắt.
Mấy thím thương Khánh lại hùa nhau nói ông Khá chấp nhặt cháu gái.
Chị Khuê đành phải cầm đôi dép đem vào trêu ông:
– Ơ hay cái anh này giận dai thế nhờ? Cháu gái mua dép đẹp cho thích bỏ xừ đi được còn làm màu! Nào! Nâng chân lên, em xỏ dép cho! Đi vào nó lại oai oách hết cả người, chị Ổn lại cứ phải gọi là mê tít thò lò ý chứ!
– Cha bố nhà chị! Cứ phải có đôi dép này chị Ổn mới mê tôi à? Đàn ông mà phải dùng vật chất mới cua được gái thì vứt, đàn ông có mới nới cũ cũng vứt nốt!
Ông Khá mắng bâng quơ nhưng vẫn vui vẻ để chị Khuê xỏ dép cho mình.
Khánh thấy chị được ông nội thiên vị thì ghen tím cả mặt.
Dép sang, dép xịn như thế mà nằm trong bàn tay của một con người hèn mọn như chị nom nó lại cứ bị phèn hẳn đi.
Khánh cầm đôi dép hàng hiệu đưa cho bà Ổn rồi phát quà Tết cho mọi người trong họ để lấy lòng.
Sau đó, cô rút phong bao mừng tuổi ông bà kèm theo lời rào đón hết sức nhiệt tình:
– Đầu xuân năm mới, con có hai chục triệu gọi là tiền mừng tuổi ông bà.
Con mong ông bà nhận cho con vui.
Họ hàng được phen nhao nhao cả lên:
– Úi! Mừng tuổi chi mà mừng tuổi hai chục triệu lận! Chị Khánh thoáng tay ghê!
– Phong bao vừa to vừa dày! Nhất ông Khá nhá!
– Họ Phạm nhà ta có cô cháu gái vừa có học thức cao, vừa giàu có kể cũng mát mặt, các bác nhể?
Ông Khá cười khẩy nhận lấy phong bao của Khánh.
Cô tưởng ông bị đồng tiền làm cho mờ mắt nên có chút vui vẻ.
Ai ngờ, ông đưa luôn phong bao cho chị Khuê.
Khánh đau lòng khủng khiếp.
Cô uất ức hỏi:
– Ông nội! Ông nội làm gì vậy? Tiền con mừng tuổi ông chứ đâu phải cho chị Khuê?
Ông nội điềm nhiên bảo Khánh:
– Tao trả cho con Khuê một phần tiền nó nuôi mày ăn học, chứ không lẽ để mày cuỗm chồng nó xong rồi lại để mày nuốt luôn cả tiền của nó à?
Khánh cay như vừa ăn ớt.
Chị Khuê đưa phong bao cho bà Ổn rồi nói lời giảng hoà:
– Thôi thôi… em xin anh Khá.
Sáng hôm qua, em đã mừng tuổi cho con Khánh gáo nước đới bò rồi.
Chuyện khúc mắc giữa em và nó coi như xong.
Em thừa nhận là em cũng bị ấm ức một tí, nhưng mà ép dầu ép mỡ chứ ai nỡ ép duyên hả anh? Năm hết Tết đến rồi, anh bỏ qua đi cho nó vui nhà vui cửa.
Bà chị họ ông của Khá cũng lên tiếng:
– Đúng rồi, ông Khá bỏ qua cho Khánh đi.
Nó và thằng Kiệt yêu nhau thì cho tụi nó đến với nhau.
Khuê bỏ Kiệt cũng đâu phải là tận thế đâu.
Từ năm ngoái tới giờ bao nhiêu mối hỏi Khuê đấy thôi, toàn trai tân trẻ măng ý à.
Nhất là thằng Vinh ý, đàn ông con trai gì mà da trắng, má hồng, nom phát mê!
Bà vừa dứt lời thì nghe thấy tiếng í ới ngoài cổng:
– Ông Khá! Bà Ổn! Ông Khá bà Ổn ơi! Con là Vinh đây ạ! Ông Khá bà Ổn có nhà không ạ?
Ông Khá lớn tiếng nói:
– Có nhà.
Cả Khá và Ổn đều đang ở nhà.
Anh Kiệt liếc ra ngoài cổng, thấy có đứa hớn hở đi vào trong nhà, anh không được vui cho lắm.
Chưa kể, vừa vào tới phòng khách, nó đã nháy mắt trêu chị Khuê.
Rảnh quá à? Ấy vậy mà chị Khuê cũng cười cười hỏi:
– Sang chúc Tết ông bà chị à?
Vinh ngoan ngoãn đáp lời chị:
– Dạ, không hẳn là thế ạ.
Chị Khuê đăm chiêu không hiểu chuyện gì.
Vinh biếu ông Khá gói mứt Tết rồi lễ phép nói:
– Đầu xuân năm mới, con sang đây biếu ông bà gói mứt do con tự tay sên, trước là để chúc ông bà vạn sự như ý, sau là để thể hiện tấm lòng thành của con.
Con mong ông cho phép con ra Giêng rước chị Khuê về nhà ạ..