ĐÔNG PHƯƠNG THẦN THÁNH ĐẾ QUỐC - Chương 43: Tích lan (1)
- Trang chủ
- Truyện tranh
- ĐÔNG PHƯƠNG THẦN THÁNH ĐẾ QUỐC
- Chương 43: Tích lan (1)
Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.513 (Tân Mão, 1411), mùa hạ.
Do có nhiều bất đồng với Vương triều Vijayanagara (đóng đô ở Vijayanagara trên cao nguyên Deccan ở nam Ấn Độ) về các vấn đề thương mại, Cát Ti đề nghị Đế quốc nên tiến chiếm Tích Lan, ngăn chặn ảnh hưởng của Vương triều Vijayanagara ở đấy. Tích Lan là một hải cảng quan trọng trong giao thương giữa phương đông và phương tây, nếu rơi vào tay Vương triều Vijayanagara thì đối với Đế quốc vô cùng bất lợi. Nửa phía bắc của Tích Lan lúc này đang do Vương triều Vijayanagara kiểm soát, do tiểu vương Aryacakravarti cai quản. Nửa phía nam là lãnh thổ của tiểu quốc Raigama bản địa, do tiểu vương Vira Alakesvara thống trị. Thật tế là gần đây tiểu quốc Raigama liên tục bị tiểu quốc Aryacakravarti (còn gọi là tiểu quốc Jaffna vì đóng đô ở bán đảo Jaffna miền bắc Tích Lan) uy hiếp.
Mùa thu tháng 7, Giang Phong phái Đinh An Bình thống lĩnh Tây Dương Hạm đội chở theo Định Hải quân và Trấn Phong quân tiến chiếm Tích Lan.
Tháng 9, Tây Dương Hạm đội đến được bờ biển phía nam Tích Lan, lãnh thổ của tiểu quốc Raigama. Định Hải quân và Trấn Phong quân đổ bộ lên bờ, cắm trại ở Magarapura, ngay bên cửa sông. Một tòa tiểu thành nhanh chóng được xây dựng ở đấy, được đặt tên là Nam Lan Thành (thành ở phía nam Tích Lan). Cuối tháng, một vạn dân di cư cũng được đưa đến đấy để hình thành nên khu định cư đầu tiên. Tiến trình khai thác Tích Lan bắt đầu.
Tháng 10, tiểu vương Raigama phái một đạo quân 5 vạn người tiến đánh Magarapura. Song phương giao chiến ngay trên cánh đồng phía bắc Nam Lan Thành. Quân đội Thần Thánh Đế quốc lấy khỏe đánh mệt, lấy đông đánh ít, lại nhờ sự hỗ trợ của các khẩu thần công trên mặt thành, nên đã chiến thắng vang dội. Năm vạn quân Raigama bị 6 vạn quân Đế quốc vây đánh, bị đại pháo oanh kích, đặc biệt là khi Đinh An Bình vâng lệnh Giang Phong, cho thử nghiệm Khai hoa đạn trong thật chiến, khiến quân Raigama thiệt hại thảm trọng. Sau gần một ngày giao chiến, lại trải qua năm ngày truy sát, cuối cùng chỉ có hơn 5.000 quân Raigama chạy thoát. Quân đội Đế quốc bắt được hơn 2 vạn tù binh. Số tù binh này ngay lập tức bị đưa đến Sumatra làm việc trong các mỏ vàng. Đinh An Bình không dám để bọn họ ở lại Nam Lan Thành, sợ có bất trắc.
Tháng 11, khu định cư thứ hai được xây dựng ở Gadawaga, ngay một cửa sông khác nằm về phía tây Magarapura. Đế quốc phái Thần Sách quân đến Tích Lan, và Đinh An Bình giao cho trấn thủ ở đấy. Một tòa thành thứ hai được xây dựng, được đặt tên là Thúy Lan Thành. Đồng thời, Đinh An Bình phái Trấn Phong quân tiến chiếm Ratnapura, một khu vực khai thác đá quý ở về thượng nguồn con sông chảy qua Thúy Lan Thành, và xây dựng ở đấy tòa thành thứ ba, Bảo Lan Thành. Sau đó, Thần Sách quân được giao trấn thủ 3 tòa thành ấy và bình định các vùng lân cận. Trấn Phong quân và Định Hải quân tích cực chuẩn bị chiến tranh.
Tháng 12, tiểu vương Raigama huy động quân đội toàn tiểu quốc được hơn 10 vạn, kéo đến tái chiếm Ratnapura. Tiểu vương Raigama có thể từ bỏ Magarapura, cũng có thể từ bỏ Gadawaga, nhưng tuyệt đối không thể từ bỏ Ratnapura, nơi cung cấp đá quý cho tiểu quốc, là một nguồn thu nhập quan trọng của tiểu quốc.
Giữa tháng 12, trận chiến Ratnapura bùng nổ. Một bên là 10 vạn quân Raigama, một bên là 7 vạn quân Đế quốc (Định Hải quân, Trấn Phong quân và 1 sư của Thần Sách quân). Vì địch quân đông hơn, không có ưu thế về quân số, Đinh An Bình đã cho quân sử dụng hết sạch số Khai hoa đạn hiện có, tiến hành đồ sát quân Raigama. Có điều, do có kinh nghiệm từ trận chiến Magarapura, Đinh An Bình cho sử dụng Khai hoa đạn khá phân tán, mục tiêu chủ yếu là trọng thương địch quân (để còn bắt làm tù binh). Trong số địch quân thương vong vì Khai hoa đạn, chỉ có chưa đến 3 phần trận vong.
Đang chỉ huy chiến đấu, Đinh An Bình chợt nhìn thấy trong quân đội Raigama có một toán quân chiến đấu cực kỳ kiên cường, hãn bất úy tử. Khi mà các toán quân khác thấy thế bất lợi, đã chuẩn bị tháo lui thì bọn họ vẫn kiên quyết tiến công, một bước không lùi. Đinh An Bình cau mày, truyền lệnh :
– Tất cả thần công đại pháo tập trung tiêu diệt toán hãn binh kia.
Lập tức, thần công đại pháo tập trung rải đạn xuống đầu toán quân kia. Khi đã hết Khai hoa đạn, xạ thủ lại sử dụng loại đạn thông thường, tiếp tục oanh kích mục tiêu. Vậy mà 1 vạn hãn binh kia vẫn kiên trì chiến đấu cho đến người cuối cùng. Đinh An Bình cũng phải thầm thán phục chủ soái của toán quân đó, bảo với chư tùy tướng :
– Thăm dò xem toán hãn binh đó do ai chỉ huy.
Trận chiến vẫn tiếp diễn, nhưng khi toán hãn binh kia toàn thể trận vong thì quân Raigama bại thế đã định. Các toán quân còn lại của tiểu quốc Raigama lần lượt rút lui khỏi chiến trường. Thế nhưng, người xưa có câu “Binh bại như sơn đảo”, một khi bại thế đã thành định cục thì bại binh khó mà kiểm soát được. Quân Raigama định yên ổn rút lui, nhưng nào ngờ khi Định Hải quân và Trấn Phong quân chia đường đuổi theo truy sát thì bắt đầu mạnh ai nấy chạy, binh chẳng tìm thấy tướng, tướng chẳng quản được binh. Kết quả, rút lui biến thành tháo chạy, quân Raigama hoàn toàn tan rã, bại binh tháo chạy tán loạn. Đinh An Bình chia Định Hải quân và Trấn Phong quân thành 6 đạo, mỗi đạo 1 sư, chia đường truy sát tàn binh Raigama. Kết cục, chỉ có chưa đến 2 vạn tàn quân chạy về được đến Raigama. Vương tử Parakrama Bahu, thống soái quân Raigama, cùng hàng trăm viên tướng tử trận.
Sau trận chiến, Đinh An Bình mới biết toán hãn binh kia chính là toán thân binh của vương tử Parakrama Bahu. Bọn họ được huấn luyện trở thành quân tinh nhuệ bậc nhất của tiểu quốc Raigama để chống lại sự xâm lấn của tiểu quốc Aryacakravarti ở phương bắc, bấy lâu nay lập được rất nhiều chiến công, nào ngờ giờ đây toàn diệt. Thống kê chiến quả, quân Đế quốc tử trận hơn 1.000, thọ thương gần một phần ba, nhưng đã giết được 1 vạn rưỡi địch quân, bắt được 6 vạn tù binh, kể cả thương binh. Chiến quả huy hoàng. Công lao lớn nhất trong trận này không phải Định Hải quân, cũng chẳng phải Trấn Phong quân, mà chính là Khai hoa đạn. Đinh An Bình lập tức dâng biểu về triều xin bổ sung thêm đạn dược, đặc biệt là Khai hoa đạn.
Cũng như lần trước, toàn bộ tù binh lập tức được chuyển đến Sumatra, nếu là thương binh thì cũng chỉ được chữa trị cho đến khi thương thế ổn định rồi lần lượt chuyển đi. Đinh An Bình quyết không để cho tiểu quốc Raigama có cơ hội phục hồi quân lực. Tổn thất trong trận chiến này đã làm cho tiểu quốc Raigama kiệt quệ.
Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.514 (Nhâm Thìn, 1412), mùa xuân tháng giêng.
Đợi cho quân sĩ dưỡng thương, khôi phục chiến lực xong, Đinh An Bình quyết định tiến đánh Raigama. Kinh đô Raigama của tiểu quốc Raigama nằm ở miền trung tây đảo Tích Lan, ở về phía tây bắc Bảo Lan Thành, cách bờ biển phía tây của đảo Tích Lan cũng không xa. Đinh An Bình chỉ để lại 4.000 quân trấn thủ Bảo Lan Thành, 3.000 quân trấn thủ Thúy Lan Thành và 3.000 quân trấn thủ Nam Lan Thành. Định Hải quân, Trấn Phong quân và 2 sư của Thần Sách quân, tổng cộng 8 vạn được huy động tiến đánh Raigama.
Cuối tháng giêng, đại quân xuất chinh. Đầu tháng hai, chiến hạm của Tây Dương Hạm đội chở quân đến khu vực bờ biển gần Raigama. Đại quân đổ bộ lên đó, rồi tiến về thành Raigama. So với hai trận chiến trước. Trận này chẳng có gì đáng kể. Quân đội Đế quốc đông hơn quân Raigama gấp ba lần, trang bị tinh lương, sĩ khí cao ngất, chiến lực hùng hậu. Quân Raigama chỉ chống cự một cách yếu ớt, sau vài trận pháo kích, tiểu vương Vira Alakesvara bỏ thành, dẫn tàn quân chạy về vùng núi phía đông bắc.
Đinh An Bình chiếm lĩnh Raigama, cải tên thành Trung Lan Thành, ổn định tình hình trong thành, bình định các vùng lân cận, đồng thời phái người dò tìm tông tích tiểu vương Vira Alakesvara. Giữa tháng hai, Đinh An Bình đang chuẩn bị cất quân truy quét tàn quân Raigama thì được tin báo tiểu vương Aryacakravarti đã ra tay trước. Quân Aryacakravarti vượt biên giới tràn vào lãnh thổ Raigama, bắt giết tiểu vương Vira Alakesvara và chiếm lĩnh một vùng đất rộng lớn ở phía đông.
Đinh An Bình cả giận, phái người đến trách tiểu vương Aryacakravarti. Tiểu vương Aryacakravarti cũng tức giận mắng sứ giả, đuổi về. Song phương chính thức kết thù. Tháng 3, Đinh An Bình phái hạm đội đến phong tỏa bán đảo Jaffna, cắt đứt liên hệ giữa kinh đô Jaffna với phần còn lại của tiểu quốc.
Mùa hạ tháng 5, Thần Vũ quân được phái đến Tích Lan. Đinh An Bình huy động Định Hải quân, Trấn Phong quân, Thần Vũ quân và 1 sư của Thần Sách quân, tổng cộng 10 vạn tiến đánh bán đảo Jaffna. Như thường lệ, đại quân vây thành và tập trung thần công đại pháo liên tục oanh kích vào thành. Quân đội Aryacakravarti bị phong tỏa đã gần 3 tháng, vật tư thiếu thốn, nhưng vẫn kiên quyết tử thủ chờ viện binh. Tiểu quốc Aryacakravarti là một bộ phận của Vương triều Vijayanagara ở nam Ấn Độ, nên đã gửi sứ giả đi cầu viện.