ĐỒ MI KHÔNG TRANH XUÂN - Chương 33: Dự Châu
Nếu nhớ không lầm, hôm ấy đứng trong tẩm điện của Tương Nhã Đồng ta có nghe nô tài bẩm báo kẻ ra tay là người của Ngô gia.
“Đó là thứ tử không được Ngô thái úy yêu thương. Khi biết chuyện, Ngô thái úy đánh cậu ta đến nỗi nằm liệt trên giường, sau đó xóa tên khỏi gia phả, đuổi về nông thôn.”
Hậu quả nghiêm trọng đến thế ư? Hình phạt đó quả là khiến người khác không thể moi móc bắt bẻ chỗ nào, nhưng mà Ngô thái úy có vẻ quá tàn nhẫn với chính đứa con của mình rồi đi. Nếu đúng như lời Hồ Nguyên Ly đã nói, bề ngoài chuyện này thực sự không thể nhìn ra được chỗ đáng nghi ngờ.
“Còn gì nữa không?” Hồ Nguyên Ly tiếp tục gặng hỏi, dáng vẻ hệt thầy giáo cực kỳ kiên nhẫn khích lệ đứa học trò của mình mở miệng nói chuyện.
Ta hơi ngạc nhiên, sao trông hắn như thể muốn ta hỏi càng nhiều càng tốt nhỉ?
“Sức khỏe Tề vương gia thế nào rồi ạ?”
Hồ Nguyên Ly sửng sốt, hồi lâu mới phản ứng lại, cau mày nói: “Ngươi hỏi huynh ấy làm gì?”
Thấy ta im thin thít, Hồ Nguyên Ly hậm hực bảo: “Vương Trác nói huynh ấy đã qua khỏi cơn nguy kịch, hai ngày nữa là có thể tỉnh.”
“Vương Trác?” Ta bất giác hỏi lại, “Chính là viện phó của thái y viện đấy sao? Chẳng phải Trịnh viện trưởng mới là người phụ trách khám chữa bệnh ở Tề vương phủ ư?”
Hồ Nguyên Ly nghe thế thì quay trở về với bộ điệu cợt nhả quen thuộc, nói giọng pha lẫn thái độ khinh thường: “Từ sau khi Vương Trác nghiên cứu ra thuốc giải bệnh dịch, hiện giờ cả thái y viện với ông ta như Thiên Lôi sai đâu đánh đó. Tuổi tác Trịnh Thái Hòa cũng lớn rồi, lần này đến Tề vương phủ là để làm trợ thủ phụ giúp, phụ trách khám chữa bệnh chủ yếu là Vương Trác.”
Lại là Vương Trác.
“Ngươi nghĩ gì đó?” Mặt Hồ Nguyên Ly bỗng dưng áp sát làm ta giật cả mình.
Ta lùi về sau nửa bước mới hỏi tiếp: “Vương gia có nhớ những ai đã chết trong dịch bệnh năm ngoái không?”
Hồ Nguyên Ly chả thèm nghĩ ngợi đã trả lời: “Không phải y quan của thái y viện với cả mấy nô tài trong Đông cung sao?”
Đáp án này đã được xác định, đáy lòng ta rét run từng hồi, nhìn Hồ Nguyên Ly cả buổi, ta hỏi: “Vương gia có biết chi tiết về lý lịch của Vương Trác không?”
“Lúc trước thái tử đã điều tra ông ta, không phát hiện điểm nào đặc biệt, nếu ngươi muốn biết thì ta sẽ cho ngươi coi một chút.” Không đợi ta lên tiếng Hồ Nguyên Ly đã đồng ý ngay tức thì.
Cao Giới đã từng điều tra ông ta?
Nghĩ cũng phải, trước kia Cao Thừa An đột nhiên bị nhiễm bệnh, hiển nhiên Cao Giới sẽ không dễ dàng bỏ qua người chữa trị cho thằng bé. Tuy rằng Cao Giới chưa phát hiện điều gì khác thường, nhưng nếu vừa nãy Hồ Nguyên Ly đã đồng ý thì ta cứ thử đọc qua một lượt, nói không chừng có thể tìm được manh mối nào khác.
Kể cũng lạ, chẳng biết hôm nay có phải Hồ Nguyên Ly uống lộn thuốc rồi hay không mà ta hỏi gì là hắn sẽ đáp đó, hơn nữa lúc mở lời đồng ý cũng cực kỳ thoải mái.
Ta lân la thăm dò: “Nô tỳ nhớ lúc trước vương gia còn cảnh cáo nô tỳ bớt lo chuyện bao đồng, vậy sao hôm nay lại kiên nhẫn giải đáp một đống vấn đề không đầu không đuôi của nô tỳ thế?”
Con ngươi hắn đảo vòng quanh, nói rất mạnh miệng: “Trước khác giờ khác.”
Thấy ta muốn hỏi nữa, hắn sốt ruột để lại một câu – “Ba ngày sau, giờ này, ở đây chờ ta”, sau đó ngay trước mặt ta… trèo tường đi ra ngoài.
Quay người đi về phía viện, những thu hoạch của ngày hôm nay đã cho ta một phỏng đoán vô cùng, vô cùng, vô cùng là táo bạo. Thời điểm mấy nô tài trong Đông cung chết, cùng với thời điểm chén thuốc sắp trôi vào quên lãng kia biến mất trong phòng rất sát nhau, ta thấy hai chuyện này có khi có liên quan.
Giờ ta càng cảm giác đợt dịch bệnh này quá lạ. Nguồn gốc của dịch bệnh được cho là do Cao Thừa An mà ra, sau khi nhiễm bệnh, Vương Trác là người trị cho nó nên mới dẫn đến việc có thêm rất nhiều người bị lây nhiễm. Hài cốt của Cao Thừa An đã được chôn cất, thế thì ta sẽ bắt đầu từ Vương Trác.
Về trong viện, dường như Cao Yển không biết Hồ Nguyên Ly tới tìm ta nên chẳng nói năng gì. Ta vẫn nhớ rõ trước đây y cũng không muốn ta vướng vào quá nhiều chuyện.
Qua hai ngày nữa, đến gần chạng vạng, quả nhiên nhận được tin Cao Hoằng Lãng đã tỉnh. Tuy rằng hắn ta chưa thể xuống giường đi lại nhưng ít nhất đã thoát khỏi hiểm cảnh, phần đông thái y ở Tề vương phủ đều được trở về, chỉ chừa mỗi mình Vương Trác tiếp tục trông nom.
Sáng sớm hôm sau Cao Yển lên đường đến Tề vương phủ thăm bệnh. Nghe nói vì thương thế chưa lành, Cao Hoằng Lãng từ chối kha khá quan viên tới hỏi thăm, có điều chắc là hắn ta sẽ không từ chối Cao Yển.
Vì đã quá trưa mà vẫn chẳng thấy Cao Yển về, có lẽ được giữ lại dùng bữa ở đó luôn rồi. Ăn cơm trưa xong, ta tìm lúc rỗi rãi rồi cầm theo thức ăn cho cá đi ra chỗ nhà thủy tạ cạnh ao nước ngồi canh, đợi tin tức của Hồ Nguyên Ly.
– —–
Lúc Hồ Nguyên Ly trèo tường vào, ta đang ngồi ở nhà thủy tạ ôm lọ thức ăn cá. Chả biết hắn làm cách gì, bám vào bức tường viện cao bằng chiều cao hai người cộng lại, khi lật người nhảy vào trong, ngay cả góc áo cũng không bị quẹt tới.
Có thể khoảng thời gian này hoàng thành xảy ra quá nhiều chuyện đau thương, rốt cuộc hắn không còn khoác bộ bào đỏ rừng rực như trước nữa, thay vào đó là quần áo trắng muốt xưa nay chưa từng mặc, làm ta tí thì không nhận ra, suýt hét toáng lên kêu thị vệ tới bắt trộm. Áo bào trắng làm giảm đi phong thái lẳng lơ trăng hoa trời sinh của hắn, ngược lại tăng thêm phần thanh tân tuấn tú. Thấy ta nhìn không chớp mắt, Hồ Nguyên Ly như con hồ ly vểnh đuôi cong cớn, ngạo nghễ cất giọng: “Đợi bao lâu rồi?”
“Nửa canh giờ.” Ta thành thật đáp.
Lúc này hắn mới chậm chạp lấy một xấp giấy từ trong ngực ra đưa cho ta: “Cũng chỉ có khi nhờ vả ta làm gì mới có thể thấy được dáng vẻ ngoan ngoãn ngồi chờ của ngươi thôi.”
Đang đứng dưới hiên nhà người, ta cũng không mở miệng tranh luận với hắn, vội vàng đưa hai tay nhận lấy. Vài tờ giấy Tuyên Thành mỏng manh, viền mép hơi nhàu như đã được lật đi lật lại vô số lần. Trên mặt giấy cơ man là chữ nhỏ dày đặc và nội dung chi tiết đến không ngờ, cơ hồ là đào sâu vào tận gốc gác của Vương Trác. Trải nghiệm bình thường không gì nổi bật, xuất thân bình thường, cả ba đời đều là dân nghèo. Vào được hoàng thành thông qua tiến cử của địa phương, sau đó dựa vào y thuật từng bước đi lên nắm giữ vị trí viện phó thái y viện, suốt quá trình không thấy ông ta dựa dẫm vào bất cứ kẻ nào. Thật đúng là một người miệt mài chăm chỉ.
Tuy hôm nay Hồ Nguyên Ly đã thay bộ y phục xuất trần thoát tục, nhưng cái tính sôi nổi vẫn chẳng hề thay đổi. Thấy ta đọc hết sức chăm chú, chả ai hỏi gì mà hắn đã tự lên tiếng: “Vương Trác của hiện tại có thể coi là một bước lên mây, dù sao mấy nhân vật đầu lĩnh trong thái y viện có ai không xuất thân từ thế gia y học. Như viện trưởng Trịnh Thái Hòa cũng là được sinh ra trong gia tộc y học có truyền thống mấy đời của hoàng thành. Hơn nữa Vương Trác cũng được xem là một nửa học trò của Trịnh Thái Hòa, ngày xưa được Trình Thái Hòa đề bạt nên ông ta mới đạt được vị trí hiện tại chỉ trong vòng năm sáu năm.”
Nghe thế, ta ngưng đọc, ngẩng đầu hỏi hắn: “Lần trước vương gia nói Vương Trác phụ trách việc chính ở Tề vương phủ, giờ danh tiếng của Vương Trác đã lu mờ Trình Thái Hòa, hai người họ sẽ không vì vậy mà sinh khúc mắc trong lòng chứ?”
Không ngờ ta lại có thắc mắc này, đôi mắt Hồ Nguyên Ly nheo lại, nhìn ta lúc lâu rồi nói: “Trước tới nay Trịnh Thái Hòa mắt cao hơn trời, hiếm có thái y nào đến từ nơi khác mà lọt được vào mắt xanh của ông ấy, chứng tỏ Vương Trác quả thực cũng có tài cán. Hơn nữa Trịnh Thái Hòa nay đã lớn tuổi, sớm muộn gì cũng phải về hưu, Vương Trác là do một tay ông ấy bồi dưỡng, sao có thể kèn cựa xích mích với học trò của mình vào những năm tháng tuổi già được chứ?”
Ta lại trầm mặc, tiếp tục dán mắt vào mấy tờ giấy mỏng trong tay, mặc dù những điều trên giấy được viết rất tường tận nhưng thực sự không thể nhìn ra chỗ nào lạ.
Tầm mắt ta lướt qua dòng chữ chi chít, lần này dừng lại ở chỗ mở đầu, vừa rồi chỉ chăm chăm xem câu chuyện cuộc đời Vương Trác mà quên mất lai lịch của ông ta. Dòng đầu tiên của giấy có viết bốn chữ – “Sinh ở Dự Châu”.
“Dự Châu?” Ta buột miệng đọc lên thành tiếng, đây không phải nơi ta sinh ra hay sao?
Hóa ra ta và Vương Trác lại là đồng hương, có điều trước khi cuộc chạy nạn nổ ra, sao ta chưa bao giờ nghe nói tới câu chuyện của ông ta? Theo lý thì người được địa phương tiến cử đều là nhân tài nổi tiếng hàng đầu, bảy năm trước ta theo người nhà rời khỏi Dự Châu, lẽ nào Vương Trác chỉ dùng một hai năm đã đạt đến trình độ được tiến cử?
Bên tai vang lên giọng nói của Hồ Nguyên Ly: “Coi cái gì mà lâu thế hả? Mấy tờ này nở hoa được à?”
Ta vẫn chưa khép xấp giấy Tuyên Thành lại, cứ trải hết ra trên đùi, sau đó giương mắt nhìn về phía Hồ Nguyên Ly, muốn tìm kiếm chút ít đầu mối từ vẻ mặt hắn.
Ta hỏi: “Vương gia hy vọng nô tỳ nhìn ra được điều gì?”
Hồ Nguyên Ly chả hiểu ra sao, lúc lâu mới mù mờ nói: “Không phải ngươi bảo ta tìm mớ hồ sơ này cho ngươi à? Sao tự dưng lại biến thành ta hy vọng rồi?”
Thấy nét ngạc nhiên trên gương mặt hắn không có vẻ như là đang giả vờ, ta gạt bớt tâm tư của mình sang một bên, ngón tay chỉ vào hai chữ “Dự Châu” mà hỏi: “Vương gia có thấy chỗ này rất quen không?”
Hồ Nguyên Ly ghé sát mắt vào nhìn cả một lúc, khó hiểu nói: “Đây chẳng phải là huyện nhỏ năm ngoái xảy ra trận lũ lụt sao? Nguyên nhân hình như là do đập lớn vỡ đê. Một nơi hoang vu hẻo lánh không tạo thành thương vong quá mức nghiêm trọng, cho nên cũng không gây xôn xao lớn lắm.”
Lũ lụt? Đập lớn vỡ đê?
Hai mắt ta sáng bừng, chợt nhớ ra quả thực là có vụ này, xảy ra vào khoảng ngày đông chí năm ngoái. Khi đó Cao Thừa An còn sống, nghe nói lũ lụt lần đó Cao Hoằng Lãng được phái đi lo liệu, bởi vì trong khoảng thời gian ngắn ngủi đã xử lý ổn thỏa nên nhận được phần thưởng rất hậu hĩnh cũng như cơn mưa lời khen. Hoàng đế mở cờ trong bụng, bấy giờ mới quyết định tổ chức săn bắn.
Nhớ khi nghe tin lũ lụt ta còn thở dài cảm khái trước thế sự vô thường, lũ lụt có thể bùng phát ở mọi nơi, dù có là vùng đất khô cằn nhất. Hiện giờ xảy ra nhiều chuyện như vậy, ngoảnh đầu lại xem thì bỗng phát hiện có chỗ nào đó không được bình thường. Nếu không nhớ nhầm, Dự Châu là một nơi vô cùng cằn cỗi, từ nhỏ ta đã lớn lên ở đó, sinh sống mười một năm, sau vì nạn hạn hán nên cả nhà mới đưa nhau đi lánh nạn. Sau nữa, quan Dự Châu đã xây đắp đập lớn phòng hạn, tuy nhiên tại sao lượng nước tích trữ đã có thể gây lũ lụt chỉ trong ngần ấy năm?
Cao Hoằng Lãng, Vương Trác, Dự Châu…
Ta hít sâu một hơi, gấp trang giấy ngẩng đầu nhìn Hồ Nguyên Ly: “Vương gia có muốn điều tra trận lũ năm ngoái không?”
Hồ Nguyên Ly nheo mắt, nhìn ta nói: “Cho ta một lý do để điều tra đi.”
Ta trả giấy cho hắn, đứng dậy bảo: “Thực không dám giấu diếm, quê nhà của nô tỳ chính là ở Dự Châu, lúc trước vì chạy nạn mới lưu lạc đến hoàng thành. Tuy đã bảy năm trôi qua, nhưng một nơi hạn hán hoành hành suốt mười mấy năm đột nhiên xảy ra lũ lụt, đúng là khiến người ta có chút nghi ngờ.”
Hồ Nguyên Ly vẫn ngồi xổm, hơi ngửa đầu, híp mắt hỏi lần nữa: “Lý do ta muốn không phải cái này, mà là tại sao ngươi muốn điều tra?”
Bầu không khí khẽ ngưng đọng, chuyện tưởng như là nhỏ nhặt, nhưng có khi có dính dáng đến hàng loạt nhân vật ẩn đằng sau nó.
Ta đè nén nỗi khó chịu trong lòng, giữ nguyên khẩu khí vững vàng kiên định: “Sau khi vương gia điều tra, có lẽ sẽ biết nguyên nhân.”
Hồ Nguyên Ly nhìn ta bằng ánh nhìn sâu xa, lát sau hắn bỗng nhoẻn miệng cười, đôi đồng tử rực sáng: “Không ngờ ta lại có được thu hoạch bất ngờ thế này.”
“Hả?” Ta hỏi trong vô thức.
Hồ Nguyên Ly vén vạt áo đứng dậy, cuối cùng hắn chỉ để lại một câu – “Chờ tin của ta”, dáng người lóe lên rồi biến mất chẳng thấy tăm hơi, lúc này ta mới thở phào nhẹ nhõm.
Đổ phần thức ăn cho cá còn sót lại trong lọ sứ ra tay rồi rắc xuống ao, trông đàn cá quẫy đuôi rào rào tranh nhau chen khỏi mặt nước, bấy giờ ta mới chậm rãi xoay người rời đi.
Khi quay lại viện thì Cao Yển đã về, thấy y ở một mình trong phòng, ta bèn canh giữ ngoài cửa không dám vào quấy rầy. Lý Mậu Sơn lò dò bước tới xúi ta: “Ngũ gia không ăn cơm ở Tề vương phủ mà đã về, hay là cô đi lấy cho ngài ấy chút đồ ăn đi?”
“Thôi công công vào đi, tôi sợ Ngũ gia chê tôi chướng mắt.” Ta cười giả lả đáp.
Lý Mậu Sơn vỗ vỗ ngực: “Sao Ngũ gia ghét bỏ cô được? Hiện giờ tâm trạng Ngũ gia không tốt, tiểu cô nương khéo léo hơn, cô cứ việc vào khuyên giải.”
“Ai cơ? Tôi á?” Ta buột miệng hỏi, đối diện là ánh mắt tràn đầy “tín nhiệm” của Lý Mậu Sơn. Nếu ông ta không phải công công đã có tuổi, khả năng lớn ta sẽ nghi ngờ rằng ông ta đang giở trò gài bẫy ta đi tranh sủng.
Hồi lâu ta mới thốt ra được một câu: “Công công theo Ngũ gia bao lâu rồi?”
Tức thì Lý Mậu Sơn nhìn về nơi xa xăm, dáng vẻ như chuẩn bị chìm đắm vào dòng hồi tưởng: “Ta là người chứng kiến Ngũ gia chào đời đấy, ngày xưa ta hầu hạ nương nương, sau đó theo chân Ngũ gia xuất cung.”
Nương nương ông ta nhắc hẳn là mẹ đẻ Lệ tần của cao Yển.
Ta vội đẩy xuôi theo lời ông ta: “Vẫn nên để công công vào khuyên Ngũ gia đi, ông theo Ngũ gia lâu như thế, chắc chắn hiểu rõ tâm tư ngài ấy hơn một nha hoàn mới tới như tôi.”
Gương mặt vốn đang dạt dào nỗi xúc động bùi ngùi của Lý Mậu Sơn bỗng cứng đờ như hóc xương cá, ông ta há hốc mồm định bác lại, chợt phía sau truyền đến một giọng nói.
“Các ngươi nói chuyện gì đấy?”
Vừa quay đầu đã thấy Cao Yển lặng lẽ xuất hiện ở cửa. Đừng trông Lý Mậu Sơn lớn tuổi mà chê bai, phản ứng của ông ta phải gọi là nhanh chớp, câu hỏi vừa dứt ông ta đã trả lời ngay tắp lự: “Ngũ gia, Đồ Mi mới bảo có chuyện muốn thưa với ngài.”
Ta sửng sốt, đồng thời nhận được vẻ ngạc nhiên không kém của Cao Yển.
Dưới cái nhìn chăm chú của y, ta khó khăn mở miệng: “Lý… Lý công công bảo nô tỳ hỏi Ngũ gia… có muốn ăn chút điểm tâm không.”
Dường như Cao Yển đã hiểu rõ ngọn ngành, thầm liếc Lý Mậu Sơn một cái. Lý Mậu Sơn cúi gằm, nom như thể muốn rụt cả đầu vào cổ.
Cuối cùng Cao Yển quay qua nói với ta: “Lấy cho ta một ít vào đây.”
Ta nhanh nhảu vâng dạ rồi đi ra bếp sau.
Lúc bưng đồ qua, ta thấy Cao Yển đứng lẻ loi bên cửa sổ, để cho người khác bóng lưng khó lòng nắm bắt.
Ta cẩn thận đặt mâm xuống: “Ngũ gia, nô tỳ để điểm tâm ở đây, ngài nhớ ăn khi còn nóng.”
Cao Yển nghe tiếng liền xoay người, như thuận miệng hỏi một câu: “Trưa nay ngươi đi đâu lâu thế? Cả buổi chả thấy bóng dáng đâu.”
Ta chớp chớp mắt, sau cùng chỉ nói: “Nô tỳ tới hậu viện cho cá ăn.”
Mặt Cao Yển vẫn đơ như khúc gỗ, nhìn thấy một mâm đồ ngọt, hàng mày khẽ nhíu lại, hỏi: “Sao toàn món ngọt thế?”
“Đầu bếp bảo ăn ít đồ ngọt thì trong lòng sẽ dễ chịu hơn.” Ta nói dối bằng một thái độ cực kỳ nghiêm túc.
Cao Yển lẳng lặng cầm lấy cái bánh cắn một miếng nhỏ, thấy vậy ta tính lui ra ngoài, nhưng Cao Yển lại cất tiếng, ta đành đứng tại chỗ nghe.
Y hỏi: “Ai nói lòng ta không dễ chịu?”
Lý Mậu Sơn nói đấy.
Bụng trả lời là thế, tuy nhiên ngại Lý Mậu Sơn còn đang đứng canh ngoài cửa, ta cũng không tiện phàn nàn trước mặt y, vậy là chỉ biết cúi đầu câm như hến.
Cao Yển không gặng hỏi nhiều, nhưng đột nhiên y hỏi một câu chẳng hề liên quan: “Ngươi thấy tính tình thái tử thế nào?”
Đây có phải lại đang thử ta tiếp không?
Kinh ngạc ngẩng đầu, y đang đợi câu trả lời của ta, vẻ dò xét và hiềm nghi chẳng hề hiện hữu trên khuôn mặt y, nhưng như vậy cũng không thể dễ dàng để bị đánh lửa.
Do dự lúc lâu, ta cân nhắc ngôn từ rồi đáp: “Thái tử điện hạ luôn ôn hòa lịch sự, là một… là một người nhân hậu.”
Nghe ta nói, sắc mặt Cao Yển trở nên thoải mái hơn nhiều, dường như còn chứa ý cười: “Quả thực, huynh ấy luôn luôn là như thế.”
Ta thở hắt ra, rồi lại nghe Cao Yển hỏi: “Thế ta thì sao?”
Ấp a ấp úng như gà mắc tóc cả ngày trời không trả lời được, trước mặt y nếu ta cứ khen lấy khen để thì thật là đạo đức giả, nhưng nói xấu về y ta cũng không có gan.
Hình như thấy ngán, Cao Yển không ăn bánh ngọt nữa, lấy khăn lau vụn bánh dính trên đầu ngón tay, thản nhiên liếc nhìn ta: “Sao? Ngươi có gì không nói được à?”
Ta gần như là lắc mạnh đầu ngay khi y vừa nói xong, động tác quá nhanh suýt trẹo cổ.
“Hay là thấy ta nhỏ mọn, so đo từng tí với ngươi nên mới im ỉm thế kia?”
(còn tiếp)